110 ♪♪♪ Ngài Gọi Con ♪♪♪ - Yêu mến tha nhân như Chúa Giêsu-Nguyện Ngắm theo PP Xuân Bích - ♫♫- Ngài Gọi Con -♫♫

♪♪♪ Ngài Gọi Con ♪♪♪ - Yêu mến tha nhân như Chúa Giêsu-Nguyện Ngắm theo PP Xuân Bích

BÀI THI HỌC KÌ I
MÔN: TU ĐỨC

BÀI NGUYỆN NGẮM
Lời Chúa: Lc 10,25-37
“Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình”
I. CHUẨN BỊ
1.1. Chuẩn bị gần (tối hôm trước)
     - Chọn đề tài: Yêu mến tha nhân như Chúa Giêsu         
      - Xác định những điểm sẽ nhìn ngắm:
          Nhìn ngắm Chúa Giêsu là mẫu gương yêu thương, vì yêu Chúa Cha nên Ngài vâng phục Chúa Cha trong mọi sự: hạ mình nhập thể trong thân phận con người, hiến thân chịu chết để cứu độ.
            Nhìn ngắm Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót, Ngài đã thể hiện tình yêu không chỉ bằng lời nói mà bằng chính hành động của Ngài như chữa lành bệnh nhân, bênh vực những người nghèo khổ và yêu thương các tội nhân, những người bị đẩy ra ngoài xã hội.
            Nhìn ngắm Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn người Samari nhân lành để giúp vị luật sĩ hiểu rõ hơn về giới răn mến Chúa yêu người.
            Qua gương sống bác ái  của Chúa Giêsu, ta học hỏi được gì và hành động như thế nào? Nhìn vào cuộc sống của tôi, tôi dễ dàng yêu thích những người hợp với mình nhưng có khi nào tôi tự hỏi lòng mình có sẵn sàng tha thứ, yêu mến những người không hợp với mình và thù ghét mình không? Tôi có thực hiện lòng bác ái trong gia đình hay trong đời sống cộng đoàn của tôi chưa? Tôi có dửng dưng, làm ngơ trước những đau khổ hoặc trước lời van xin giúp đỡ của anh em không? Tôi phải sống thế nào để người khác nhìn nhận tôi thực sự là môn đệ của Chúa Kitô?
            Ơn xin: Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui, sức mạnh, can đảm để yêu Chúa và yêu tha nhân trong đời sống thường ngày và luôn khiêm nhường bước đi với Chúa.

  1.2. Chuẩn bị rất gần (khởi đầu giờ nguyện ngắm)
- Đặt mình trước mặt Chúa (mời cộng đoàn quỳ)
          Lạy Chúa, con tin thật Chúa đang ngự trước mặt con, Đấng mà xưa kia đã mặc xác phàm y như con trừ ra tội, Đấng đã muốn nêu cho con một bài học sống động về cuộc sống siêu thoát, dứt bỏ mọi của đời để được chiếm lấy phần thưởng vinh quang trên thiên quốc. Con xin sấp mình cung kính bái lạy Chúa.
            Lạy Chúa, con biết Chúa là Đấng uy nghi vô cùng và con là đứa khốn nạn vô ngằn. Con lấy làm xấu hổ vì cả dám đến trước mặt Chúa. Nhưng lạy Chúa là sự sống của con, nếu con xa tránh Chúa thì con biết đi về đâu, sẽ chạy đến cùng ai và sẽ ra làm sao? Không, con không muốn rời xa Chúa, con ước ao đến gần Chúa hơn. Con xin Chúa tha thứ các tội lỗi của con, con đau đớn phàn nàn quá bội vì từ xưa đến nay con đã chẳng kính mến Chúa lại còn xúc phạm đến Chúa. Xin Chúa thương tha thứ
    Xin  Chúa Thánh Thần soi sáng và ban cho con sức mạnh để con có thể thưc thi những Lời Chúa dạy trong giờ nguyện ngắm này.

           
II. NGUYỆN NGẮM
1. Thờ lạy (Đặt Chúa Giêsu trước mặt)
      Lạy Chúa Giêsu, khi nhập thể giữa lòng trần thế, Ngài thể hiện tình yêu trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài vâng theo thánh ý Chúa Cha trong mọi giây phút của cuộc đời: " “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Và thánh ý Chúa Cha là muốn mọi người được lãnh nhận ơn cứu độ nên đối với Ngài, yêu mến Chúa Cha tức là phải yêu anh em. Chính vì yêu nhân loại, nên Ngài đã gánh lấy tội trần gian, hy sinh chịu chết trên cây thánh giá, Ngài đã yêu mến Chúa Cha “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” của Ngài.
Trong suốt ba năm đi giảng dạy, Ngài luôn nói về tình yêu của Chúa Cha và thể hiện tình yêu của Chúa Cha đối với dân chúng: Chữa lành cho tất cả bệnh nhân đến với Chúa, cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người phong hủi được sạch, khử trừ ma quỷ và nuôi sống đám đông đói khát. Đặt biệt, Ngài yêu thương các tội nhân, những người bị đẩy ra ngoài xã hội. Ngài đã thẳng thắn tuyên bố: “Con Người đến để đi tìm và cứu những gì đã hư mất”. Hơn nữa, tình yêu của Ngài thể hiện rõ nhất trong lời cầu nguyện trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”
Tình yêu của Ngài vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của con người. Ngài đã dùng dụ ngôn người Samari tốt lành để giúp người thông luật hiểu rõ rằng tình yêu không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một điều rất cụ thể nghĩa là thực thi lòng bái ái xót thương không biên giới, không điều kiện với tất cả mọi người.
Ôi lạy Chúa, Chúa yêu con nhiều biết bao! Chúa đã dạy cho con biết bao nhiêu bài học về tình yêu. Tình yêu của Chúa thật bao la, không tính toán, không đòi hỏi sự đáp trả. Con thật sự thán phục Chúa. Con cảm thấy hạnh phúc khi có một người Cha hằng yêu thương con và nâng đỡ con trong cuộc hành trình tiến về Nước Trời, nơi mà đã con khắc khoải chờ mong bấy lâu nay.
2. Hiệp thông (Đặt Chúa Giêsu trong tim)
      Lạy Chúa, con thực sự hiểu rằng hai giới răn “mến Chúa yêu người” mà Chúa đã dạy vô cùng quan trọng và không thể tách rời:  Càng yêu mến Chúa bao nhiêu thì càng yêu người bấy nhiêu. Qua dụ ngôn người Samari tốt lành, Chúa muốn con phải vượt lên trên cái nhìn hẹp hòi, ích kỉ về người thân cận của mình. Người thân cận không chỉ là người mình thích, mình thương mà là tất cả mọi người, dù là người mình không ưa thích, không cùng màu da, không cùng tôn giáo, không cùng lập trường chính trị. Chúa muốn  con hãy đến gặp những người đó với lòng bác ái và quảng đại. Như vậy, câu hỏi sẽ không còn là “ai là người thân cận của tôi?” mà là “tôi là người thân cận của mọi người như thế nào một cách cụ thể?”
      Nhưng lạy Chúa! Nhìn lại bản thân con, con cảm thấy mình giống như một kẻ nói dối, đã bao lần con nói yêu mến Chúa, hãy làm vì Chúa nhưng lại nói xấu, thù ghét người khác và thánh Gioan Tông đồ có viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Đặc biệt trong cộng đoàn dự tu, con còn sống ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân, không màng đến quyền lợi của anh em. Con làm tất cả mọi việc chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân con, con chưa thực sự vì cộng đoàn để tham gia công việc chung hay hy sinh, giúp đỡ anh em khác khi con có thể. Con chưa biết yêu thương, tha thứ mỗi khi anh em xúc phạm đến con.
      Con thành thật xin lỗi Chúa vì sự đố kị, ghen ghét của con, con xin lỗi vì đã làm gương mù gương xấu và làm người khác hiểu sai về lời Chúa dạy. Xin Chúa cho con biết ra ngoài xã hội để giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh. Xin cho con biết quên đi những cái thuộc về con để hy sinh, phục vụ anh em và đó là dấu chỉ để người khác nhận ra con là môn đệ đích thực của Chúa.
            3. Hợp tác (Đặt Chúa Giêsu trên tay)
          Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con biết thể hiện đức tin qua đức ái và diễn tả lòng yêu mến Chúa qua việc quyết tâm thực thi công bình, yêu mến tha nhân trong ngày hôm nay bằng một việc làm cụ thể ( chẳng hạn: Tham gia các giờ đạo đức cách sốt sắng với sự ý thức và tinh thần yêu mến hoặc tha thứ cho anh em bằng cái bắt tay làm hòa, cười vui vẻ.)
            Xin Chúa Thánh Thần soi sáng, dẫn dắt con đi đúng hướng, thực hiên tốt quyết tâm của con. Xin Ngài hãy đến và hoạt động manh mẽ trong con.


III. KẾT THÚC
          Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì những ơn Chúa đã ban cho con trong giờ nguyện ngắm này. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho con thấu hiểu tình yêu cao vời, kỳ diệu của Chúa. Con cũng xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của con trong giờ nguyện ngắm vừa qua vì những lo ra chia trí, những lúc khô khan, nguội lạnh và cả sự thiếu ý thức của con.
            Lạy Mẹ Maria, cuộc sống của Mẹ luôn cân bằng hai vế của giới răn“mến Chúa yêu người”. Xưa Mẹ đã chia sẻ niềm vui với bà thánh Isave thế nào thì nay xin Mẹ chỉ vẽ cho con biết sống yêu thương, chia sẻ hạnh phúc với tha nhân để trở nên giống Chúa Giêsu con Mẹ và để con được hưởng hạnh phúc với Chúa như Mẹ vậy.
            Hoa thiêng liêng: Lặp lại trong ngày câu Lời Chúa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình”
            Đọc kinh Trông Cậy.

No comments:

Post a Comment