KHÓC
Ở hai đầu vũng tối là ánh sáng. Khi chiếc xe rít lên rồi dừng lại cũng là lúc hắn đáp đất sau một cú bay. Giây phút lơ lững đó, ánh mắt hắn ngợp bởi hai bóng đèn pha lóe sáng. Sau đó là chìm đến tận đáy của một vũng tối dày đặc. Người ta kéo máy tới đợi hắn ở bên kia vũng tối, để ghi lại khoảng khắc vị anh hùng tỉnh lại. Mắt hắn lại đầy ánh sáng của những chiếc máy quay phim, chụp ảnh. Người ta tặng hoa, tặng quà, tặng bằng khen. Ai cũng xúm xít, véo von quanh người vừa mới làm một chuyện đáng tuyên dương, ca ngợi. Rộn ràng một lúc đám người đã mệt vì cười và khen ngợi cũng ra về, mẹ hắn mới tới gần nói nhỏ:- Bây không được làm chuyện dại dột đó nữa.
Hắn cong người ôm lấy mẹ đang ngồi ở mé giường và khóc.
Ngày thứ hai sau khi tỉnh lại, lúc ghé mắt ra cửa phòng, hắn thấy khuôn mặt mình bị xách ngược trong tờ báo trên tay một người đàn ông. Người đàn ông băng qua cửa chưa đầy hai giây, nhưng hắn kịp thấy mặt mình trên trang nhất tờ báo, bên dưới người ta ghi một tít dài, có hai chữ “anh hùng”. Khuôn mặt đó ám ảnh hắn. Hắn nhắm mắt lại cũng thấy khuôn mặt mình chờn vờn trên bàn làm việc, trên tay của những đứa bé bán báo hay lắt xắt bay trên những con đường khô cong và mù mịt bụi. Cả trăm ngàn khuôn mặt đó đều có ánh mắt hoảng hốt và miệng mở ra như muốn nói điều gì.
Ngày thứ bảy ở bệnh viện, cha hắn tới. Khi hắn trân cứng người lại vì sợ và ngạc nhiên thì cha hắn đã mở lời:
- Cuối cùng bây cũng làm một chuyện coi được. Chừng nào khỏe thì về nhà đi.
Chắc có tờ báo nào đã trôi ngược về xóm núi, và cha hắn nhận ra khuôn mặt của con trai mình.
Ngày thứ mười ba, hắn xin xuất viện. Từ chổ chiếc xe dừng lại tới nhà phải đi một quãng khá xa. Hắn đi nhỏ nhẻ, vì những cái xương sườn gãy vẫn nhói lên đau điếng và một tay bị băng cứng đơ. Mẹ hắn xách đồ nặng, nên tuột lại phía sau. Thấy con ngập ngừng ở lối rẽ vô nhà, bà tiến lên bảo:
- Nhà của bây, có chi mà ngại.
Trong đầu hắn có những thước phim quay chậm. Hắn thấy con đường này của ba năm trước, cũng những ngôi nhà này, cũng những khuôn mặt vói ra từ cửa sổ, hay nép sau những tán cây, hay tụm lại ở một góc sân nhìn cảnh cha hắn cầm con dao theo sau lưng đứa con. Ông chạy chậm, tiếng thở dốc cuộn trong tiếng bước chân. Khi giữ được khoảng cách an toàn với con dao, hắn mới dừng lại, nghĩ tim cha cũng tốt đó chớ. Cha hắn dứ con dao về phía hắn nói:
- Tao không có đứa con tù tội như mày. Tao thà chết cũng không cần mầy.
Câu nói này làm hắn chảy nước mắt. Phía trên kia trời trong vắt, không gợn chút mây. Hôm hắn ra tù trời cũng im ắng như vậy. Không mây, nắng không biết bám vào đâu nên trút hết xuống đầu một kẻ đứng trước cổng trại giam hoang mang không biết mình đi hướng nào. Lối về duy nhất bị bịt kín bởi người cha không chấp nhận một đứa con mới ngồi tù về, và nhục nhã hơn, hắn còn làm trai bao.
Hắn quay lại thành phố và tiếp tục làm trai bao để trả thù cuộc đời. Một cuộc đời bất công và hắt hủi lối về của hắn. Khoảng đó là một vũng tối dày đặc và sâu. Bóng tối cong mình lại, nên ánh sáng không lọt vào được. Ban đêm đi làm, ban ngày hắn cuộn mình trong phòng, nghe mùi ẩm mốc xọc lên từ chiếc chăn xỉn màu và tiếng những con gián thầm thì nói chuyện bên những hộp cơm vương vãi. Nhưng có ai đau đớn vì hắn càng lún sâu vào ngỏ tối? Những người có thể đau vì hắn thì ở xa và định kiến xây nên một bức tường dày giữa hắn và họ. Hắn chỉ đợi lúc cánh cửa được mở ra đều đặn vào thứ năm hàng tuần. Nắng ùa vào căn phòng tối và ẩm mốc. Người mở cánh cửa đó thường ngồi ở mép giường nhìn hắn, hay dọn dẹp đôi chút trong căn phòng, và thỉnh thoảng hỏi:
- Muốn xưng tội không?
Sau đó là tiếng đáp không ơ hờ, hoặc hắn không đáp, chỉ quay lưng úp mặt vào chăn. Đó là một linh mục, người bạn thân với hắn những năm cấp ba. Sau mỗi lần người bạn đó ra về, cánh cửa khép lại. Nắng bị nhốt bên ngoài nên bóng tối và sự im lặng đè nghiến, nhấn chìm hắn đến nghẹn thở.
Khác với căn phòng của hắn, con đường về nhà sáng sủa vì đầy nắng. Hôm ở bệnh viện ba hắn biểu hắn về. Sẽ không còn ly nước trà bay thẳng vào mặt và sau đó là con dao sắc loáng đuổi theo, nhưng con đường gập ghềnh bởi những khuôn mặt vói nhìn ra, và những lời móc máy vẫn nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Nhưng mẹ hắn mới biểu, nhà của bây, có chi mà ngại, bây đâu có ở ngoài đường, hay ở nhà người ta.
Cả ngày hắn chỉ loanh quanh trong nhà, không hẳn vì mỗi bước đi xương xóc va vào nhau đau nói, mà hắn sợ gặp người ta. Nhưng hắn không ngờ mình lại gặp linh mục bạn ở nhà mình. Linh mục bạn đạp xe đạp trên con đường mềm mại uốn mình giữa những cánh đồng. Một đám trẻ líu ríu chạy theo sau, cười nói râm ran. Chúng dừng lại trước cổng nhà hắn, như chạy qua cánh cổng ấy sẽ có một con ngáo ộp nhảy ra vồ lấy chúng. Linh mục bạn thì chạy thẳng vào, như về nhà mình, con chó nhỏ còn chạy ra quấn quýt. Hắn không giấu được một nét cười vừa vẽ lên trên khóe môi. Sau khi xăm xoi tay chân hắn, linh mục bạn nói còn hên lắm. Tay chân băng bó như vậy mà nói còn hên. Nhưng hắn hiểu, vì vụ này mà hắn được về nhà, như vậy quá hên rồi. Linh mục bạn hỏi, có muốn xưng tội không. Hắn gật đầu.
Hắn nhớ lần cuối cùng mình xưng tội cách đây khoảng mười năm. Bữa đó là lần đâu tiên hắn đi khách. Sau khi nắm được tờ tiền trong tay hắn đã bật khóc, nhưng khi quỳ trước tòa giải tội hắn lại rối lòng. Mình làm vậy có sai không? Mình đã làm sai điều gì? Mình có thể từ bỏ công việc này được không? Lúc đó hình ảnh cha hắn đang quằn quoại trên giường với những cơn đau tim hiện lên. Mẹ hắn lúc nào cũng nơm nớp với những nỗi lo, tiếng thở dài trôi lãng đãng mỗi khi nhìn cha hắn ngủ mệt, khi nghe tiếng lon múc gạo vọng vào đáy thùng. Em hắn mỗi lần thấy bạn mặc áo trắng tung tăng đến trường lại bỏ vô phòng nằm. Hắn biết mình không thể bỏ công việc hái ra tiền này, nên bước ra khỏi tòa giải tội. Tiếng vị linh mục già hiền từ vói theo sau lưng, làm hai chân hắn dẫm lên nhau cuống quýt:
- Con ơi, quay lại đi. Cha chưa đọc lời tha tội.
Khi bị cảnh sát còng tay dẫn đi vì món tiền lừa đảo, hắn cũng thấy khuôn mặt cha mình mòn sâu trên tấm trải giường trắng ở bệnh viện với hơi thở đã đều trở lại. Thùng xe nhốt phạm nhân vừa tối vừa nóng, nhưng hắn cảm thấy dễ chịu với ý nghĩ bệnh của cha mình ổn rồi.
Mười năm, hắn đã thôi đi lễ. Hắn cũng thôi áy náy lương tâm từ lâu. Nhưng hắn vẫn đợi mỗi chiều thứ năm người bạn linh mục đến. Một vệt nắng lóe lên trong căn phòng, một vài câu hỏi thăm, và đôi khi kèm theo lời cằn nhằn sao để đồ đạc lung tung vậy. Hắn cảm thấy có một chút nhẹ nhàng trong lòng vì ít ra còn một ai đó quan tâm đến mình, còn một sợi dây cố gắng níu hắn với cuộc đời. Người bạn đó làm vọng về trong hắn câu nói của linh mục già ngày xưa: Con ơi, quay lại đi…
Đôi lúc đứng tròng trành trên thành cầu lộng gió nhìn xuống dòng sông cuộn xiết, hắn nghe lời vị linh mục ấy vọng về trong tiếng sóng: “Con ơi, quay lại đi”. Khi nhìn đoàn xe lửa lao đi, hắn vẫn nghe tiếng ấy trộn lẫn trong tiếng bánh xe sắt nghiến vào đường ray: “Con ơi, quay lại đi”. Hắn nghe “Con ơi, quay lại đi” lẫn trong lời của nhân viên bán thuốc, khi nhìn khuôn mặt đầy u uẩn của hắn, bảo muốn mua thuốc ngủ phải có giấy của bác sĩ. Nhưng hắn muốn hỏi, bây giờ con sẽ quay lại đâu, về đâu hay đi đâu? Không ai trả lời hắn. Khi hắn quay lại ngôi nhà thờ ngày xưa thì vị linh mục già đã không còn ở đó nữa.
Đã ba chiều thứ năm người bạn không đến, hắn tuyệt vọng, như ngọn đèn thắp lên một ánh lửa nhỏ nhoi trong đêm mịt tối đã vụt tắt vì mòn dầu. Nên khi chiếc xe trờ tới, và người phụ nữ luống cuống không biết làm gì, thì hắn lao ra giữa lòng xe cộ đẩy người phụ nữ khỏi mũi xe chỉ trong chớp mắt. Lúc hai mắt đã thoát khỏi ánh sáng của chiếc xe, xương gãy kêu lắc rắc trong mình và thân thể tiếp đất sau một cú bay, trong cơn đau đớn đứt gãy hắn còn níu được một ý nghĩ rời rạc, mình đâu có chổ nào để về. Sau đó là bóng tối.
Chiêm bao thấy mình nằm dưới tấm vải trắng trùm đến tận đầu, khí lạnh làm khô cứng buồng phổi của hắn và bóng tối như một thứ khói đặc quánh, có thể sờ được bằng tay. Nhà xác, người ta đã chuyển hắn đến nhà xác. Bóng tối thâm u len lỏi và bắt đầu chiếm luôn chút ánh sáng nhợt nhạt còn lại trong mắt hắn. Hắn không sợ bóng tối, bởi cảm giác này đã quá quen thuộc. Cảm giác của một kẻ bị bỏ rơi, một kẻ vô hình trước mắt người khác, một kẻ bị khạc nhổ lên mình sau khi người ta ném những đồng tiền vào mặt. Đó là cảm giác của một kẻ chỉ còn biết tự bảo vệ bằng cách ẩn mình trong bóng tối.
Ý nghĩ tại sao vào đến nhà xác rồi mà cũng chưa chết, tại sao những người nằm thẳng đơ và được trùm vải trắng trong căn phòng này không phải là mình làm hắn tức tưởi, và mơ hồ nghe người ta kêu tên mình, lắc tay mình, nói anh ấy tỉnh lại rồi kìa, anh ơi tỉnh lại đi. Khi ra khỏi vũng tối đó, hắn hoảng hốt thấy mình còn mở mắt. Một sự thất vọng không thể kìm chế được trên khuôn mặt khi ánh sáng trở lại. Người ta đã bấm máy lách tách ngay giây phút đó. Khuôn mặt ấy được đem đi dán trên mấy tờ báo.
Một nhà báo hỏi lúc đó anh đã nghĩ gì? Hắn nói đâu có kịp nghĩ, chỉ thấy người gặp nạn nên lao ra cứu. Nếu có thời gian mà đứng nghĩ chắc gì đã dám cứu người, mà nghĩ xong chắc cũng chỉ cần gọi xe cấp cứu. Câu nói này làm mấy người trầm trồ ghi chép. Đèn lại lóe lên. Nhưng chỉ mẹ hắn mới biết, con mình đang nói dối, nên mới biểu, bây không được làm chuyện dại dột đó nữa. Cha hắn không biết chuyện này. Hai ngày ở bệnh viện ông ít nói ít cười, cả nhìn con mình cũng ít. Cuối ngày khi xách giỏ về, ông mới nói được một câu cụt ngủn:
- Cũng tại ba. Xin lỗi con.
Hắn lại cong người về phía mẹ mà khóc. Bên ngoài hành lang cha hắn lảo đảo ngồi xuống ghế. Hai dòng nước mắt trào ra trên khuôn mặt đã gầy đi nhiều từ lúc nghe tin hắn bị nạn. Nước mắt đó được ngâm ủ lâu năm, nên trong vắt. Cha hắn đã hết giận con lâu rồi, nhưng cái buổi chiều cha đuổi con chạy ngời ngời ngoài đường vẫn còn tươi rói, và lời ông nói tao có chết cũng không cần bây không biết làm sao để rút lại. Nên ông cần một cái cớ, dù vô lý như chuyện con ông bị tai nạn để vẽ nên một đường cho đứa con về nhà. Bà mẹ lấy bàn tay lau nước mắt cho hắn, nói bây khóc cả chục năm nay chưa đủ sao. Nín đi, rồi còn đứng dậy mà làm lại cuộc đời.
Tất cả những chuyện đó hắn đem kể với linh mục bạn, làm cho buổi xưng tội giống một cuộc trò chuyện. Hắn nhẹ nhõm, cảm giác như mình vừa gỡ được một tảng đá khỏi lưng. Linh mục bạn cười, nói bây giờ mình làm việc mà vị linh mục già ngày xưa phải bỏ lỡ, vì hối nhân đang xưng tội thì chạy mất. Và hắn thấy bàn tay linh mục bạn đưa lên:
- Vậy tôi tha tội cho anh, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.
Fanpage: https://www.facebook.com/ngaigoicon/
No comments:
Post a Comment