110 [Ngài Gọi Con]__Ông Cố - ♫♫- Ngài Gọi Con -♫♫

[Ngài Gọi Con]__Ông Cố

Không biết từ bao giờ, những người có con đi tu được gọi là ông cố, bà cố. Lại có hai loại cố phân biệt: Cố đứng là người có con trai đi tu triều hay dòng, cố ngồi là người có con gái sống đời thánh hiến. Ông cố Vinh là ông cố ngồi. Qua cơn tai biến mạch máu não, nhờ Lòng Thương Xót, dù ông cố Vinh chẳng có chút của ăn của để nào, nhưng mấy đứa con ông tuy không khá giả gì cho cam, cũng không để ông thiếu thốn, lại may mắn gặp thầy gặp thuốc, nên sức khỏe của ông nhanh chóng hồi phục, trí nhớ dần dần trở lại với ông. Mỗi tối, cứ nhắm mắt lại, là quá khứ ấu thơ lại ùn ùn kéo về, ngồn ngộn trong trí não ông. Ông nhớ hết những chuyện ngày xưa còn bé. Nào là những lần bắt cá thia thia bọt, lấy chai đựng rượu của bố thả cá, bị bố đánh. Nào là những lần bắt chuột đốt đồng, bắt cua mưa đầu mùa, bắt cá lung mỗi cơn hạn bà chằng. Nào là mỗi lần xay cà phê bằng cái cối xay tiêu cho cha Phêrô Bùi Minh Chúc, được cha cho hai đồng (hai đồng ngày ấy đối với ông, là cả một gia tài). Nào là mỗi lần giúp lễ, uống vụng rượu lễ bị cha Giuse Nguyễn Hưng cốc cho u đầu (Quái lạ! nghịch ngợm, phá phách thế, mà cha vẫn thương như con, là thế nào, nhỉ?). Nào là những lần đi học, giờ ra chơi tắm truồng bông nhông ở cầu nhà thờ bị thầy giáo Thận bắt gặp, giấu nhẹm quần áo, làm mười mấy đứa tồng ngồng vào lớp, làm trò cười cho đám con gái.
Hình ảnh có liên quan Đó là những chuyện của non sáu mươi năm về trước, ông không quên gì hết. Nhưng ông không thể nhớ nổi ông đã ăn cơm tối chưa, đã uống thuốc chưa, đã đọc kinh tối chưa. Cái khổ của ông còn là nửa người bị tê liệt, không cử động được, nên không tự phục vụ được. Mọi chuyện từ viên thuốc, miếng cơm, hớp nước, đến việc vệ sinh cá nhân, tất tất đều phải trông nhờ người khác. Đã có lần ông thầm thưa với Chúa, xin cất ông về để đỡ làm khổ con cháu. Nhưng ông nghĩ lại, việc sinh tử nằm trong tay Chúa, ông tự trách mình thiếu lòng cậy trông. Ông mặc cả với Chúa:
- Con xin vui lòng vác Thánh giá Chúa gởi. Để xin cho con cháu con được ơn Bình-an-của-Chúa.

Đó là cái khổ về thể lý. Cái khổ nội tâm làm cho ông còn đau đớn hơn nhiều. Vì tuy bị bán thân bất toại, nhưng trí óc ông còn minh mẫn, miệng ông còn nói được dù ngọng nghịu như trẻ tập nói, đôi tai ông còn thính, đôi mắt ông còn tinh tường. Ông nhìn thấy hết, nghe thấy hết, kể cả những xích mích, những bất hòa của lũ con. Nên ông hiểu ra Thánh giá của ông là tuổi già bệnh hoạn, còn Thánh giá của con cháu ông lại là chính ông. Vì thế, ông không có bất cứ một đòi hỏi nào với con cháu. Ngày con gái út của ông, sơ Rosa thuộc hội dòng Đa Minh miền Bà Rịa, về thăm, mua cho ông bao nhiêu là quà. Người chị dâu rỉa rói:
- Cô cho ông ăn toàn những của ngon vật lạ, toàn đồ bổ dưỡng. Có gì thì cô lo vệ sinh cho ông đấy nhá!

Cô Út nhẫn nhục, không một chút khó chịu, tươi cười với chị dâu:
- Chị vất vả quá. Em cám ơn chị nhiều lắm. Vâng, chị nghỉ ngơi đôi chút, em sẽ chăm sóc bố suốt kỳ nghỉ của em.
Sơ Rosa chăm sóc ông cố kỹ càng, bài bản như một chuyên viên y tế. Sơ hiểu được sự vất vả của người chị dâu nhà quê nên càng thông cảm, kính trọng và quý mến người chị dâu hơn. Ngoài vai trò của một chuyên viên, sơ còn chăm chút cho ông cố bằng tấm lòng biết ơn của một người con hiếu thảo, và nhất là bằng tình yêu trong Chúa. Nhờ vậy, ông đã thổ lộ với sơ những yêu cầu, những mơ ước dù rất nhỏ nhoi. Một lần ông cố nói với sơ:
- Con có biết rau dền gai không? Ngày ấy bố học lớp Đệ Nhất ở trường Phụng Sự. Cha giám đốc Đa Minh Nguyễn Văn Lãng (Sau này là Đức giám mục Xuân Lộc) thương mấy đứa học sinh nhà nghèo dưới kênh, cho ở nhờ nhà kho. Bố thường hái rau dền hoang, đầy gai, luộc, chấm nước mắm cá linh mang dưới nhà lên. Ngon lắm, ngọt lắm, bùi lắm. Bố thèm quá, nhưng bố nói vậy thôi, không đòi ăn đâu nhé.

Sơ Rosa cúi đầu xuống chiếc xe lăn:
- Bố còn thích gì nữa không?
Ông cố chớp chớp mắt nhìn con, khát khao:
- Bố là thành viên gia đình Tận hiến Đồng công. Nếu bố có mệnh hệ nào, các con nhớ phải ghi tên thánh của bố là Giuse Maria đấy. Ngày 15 tháng 9 này là ngày kính Đức Mẹ Sầu Bi (Bố không thích chữ “bi” này lắm, vì Mẹ có thể sầu khổ, sầu đau, chứ Mẹ không “bi” bao giờ), bố mong được tham dự Thánh lễ mừng quan thầy gia đình Đức Mẹ giáo xứ mình một lần nữa, một lần nữa thôi, có khi là lần cuối trong đời.

Cả nhà chuẩn bị cho ông cố đi lễ còn hơn người ta chuẩn bị cho chú rể ngày thành hôn. Ông cố được mặc quần áo mới tinh, còn thơm mùi vải. Anh Cả xỏ cho ông đôi giày mới bóc tem. Sơ Rosa chải chuốt cho ông, gắn huy hiệu Gia đình Đồng công lên ngực áo, lại còn lục lọi trong tủ, mang ra thắt cho ông chiếc cà vạt từ ngày đám cưới của ông bà cố, cài lên chiếc kẹp cà vạt hình trái tim có hai chữ VH, viết tắt tên Vinh-Hoa của ông bà cố. Sơ Rosa tự tay đẩy xe cho ông cố. Người ta đang cải tạo, nâng cấp con đường quê ngang qua nhà ông cố và nhà thờ. Đất đỏ được chở từ nơi khác về làm nền đường. Xe cơ giới ì ầm, gầm gừ suốt ngày. Bụi đỏ phủ lên mọi thứ, mái nhà, sân, vườn, cây cối, nhất là đám muống rừng trồng ở ven kênh để giữ bờ thì không ai còn nhìn thấy một chiếc lá xanh nào. Nhìn rặng hoa muống rừng nở rộ trong ánh nắng ban mai như rừng hoa, tím trắng, sạch sẽ, thanh khiết, ông cố xót xa:
- Chúa là Đấng hoang phí vô cùng. Đám hoa dại đẹp như thiên đàng thế kia mà sớm nở, tối tàn, nắng lên là bụi đỏ che lấp hết, không còn gì, có phí của giời không?!
Nhìn các em Thiếu nhi Thánh Thể quàng khăn đủ màu, hồng nhạt, lá mạ, xanh lơ, vàng, đỏ, và nhìn anh chị em Gia đình Tận hiến nườm nượp tiến về nhà Chúa, ông cố cười tươi như chưa bao giờ. Ông lẩm bẩm câu nói của bà cụ già trong phim Sám Hối: “Nếu đường này không dẫn tới nhà thờ thì quả thực là vô ích”. Tới sân nhà thờ, ông chợt thấy thất vọng. Nhà thờ xứ mới được cung hiến năm ngoái, được xây dựng theo kiểu mới. Tầng trệt đựợc dùng làm hội trường và các phòng hội họp. Tầng trên mới thực là nhà thờ. Muốn lên nhà thờ, người ta phải đi lên mấy chục bậc thang, ông không thể lên được. Ông có cảm tưởng như mình bị loại trừ, nhà thờ là của những người khỏe mạnh chứ không phải của ông. Ông ước ao:
- Phải chi có ai khiêng mình lên trên nhà thờ nhỉ? Nhưng mình làm phiền con cái chưa đủ sao, còn làm phiền các anh chị ấy làm gì?
Rồi ông nói với sơ Rosa bằng một giọng buồn buồn:
- Con đẩy bố tới chỗ bóng râm của tượng thánh Giuse kia kìa. Bố đành tham dự thánh lễ hàm thụ bằng tai qua mấy cái ô pạc lơ kia vậy. Đã đến Cửa Thiên Đường (vì trên vòm cửa nhà thờ đắp nổi ba chữ Cửa Thiên Đường) mà không được vào, xót xa lắm chứ!

Thánh lễ đã bắt đầu, ông nhìn ra chung quanh sân nhà thờ. Chỗ kia một cặp tình nhân đùa giỡn nhau cười khúc khích. Chỗ khác mấy chú choai choai thi nhau phì phèo điếu thuốc lá thơm. Ngay trước mặt ông, mấy cô gái tuổi teen đang mổ mổ quẹt quẹt lên chiếc smartphone. Xa hơn, một ông trung niên đang gọi điện thoại a lô inh ỏi. Sau lưng ông cố, mấy ông xồn xồn oang oang chứi tục rồi cười phá lên. Ông tiếc nuối:
- Giá mà mình đổi được một giờ đồng hồ của mình với họ, mình sẽ vào nhà thờ ngay, có khi mình lên hàng ghế trên cùng ấy chứ, càng gần bàn thờ, càng gần Chúa càng tốt.
Ông lại nhớ tới lời bà cụ trong phim Sám Hối: “Nếu đường này không dẫn tới Nhà thờ thì quả thực là vô ích”. Rồi ông cau mày: - Nhưng đến nhà thờ mà không gặp Chúa thì cũng chẳng lợi ích gì!

Hình như có một giọt nước to đùng lăn trên má ông, chắc là một giọt nước mắt.

No comments:

Post a Comment