Đời sống chung luôn cần có những quy ước. Quy ước giúp cho mọi việc tiến triển tốt đẹp. Hơn thế nữa, quy ước để mọi người hiểu và trợ lực cho nhau. Cha sở và cha phó đặt ra những quy định trong công tác mục vụ thế này: Mỗi người làm lễ sáng một tuần. Người kia làm buổi chiều. Chúa nhật bốn lễ. Mỗi người làm 2 lễ. Phụ trách hội đoàn: Cha sở phụ trách gia trưởng và hiền mẫu. Cha phó phụ trách giới trẻ và thiếu nhi cùng ca đoàn. Xức dầu bệnh nhân: Mỗi người phụ trách hai tuần. Người này không đi được thì người kia đi thế. Nếu ban đêm, cha phó tình nguyện đi. Đám cưới, đám tang vào tuần của ai làm lễ buổi sáng thì người đó phụ trách. Về phần tiền ăn, cha sở nói cha phó khỏi đóng. Cha sở làm “Bao Công”. Cha phó thì nghĩ ngợi nên xin được “Campu-chia”. Nhờ những quy ước với nhau rõ ràng và ứng xử tình nghĩa mà giáo dân nhận ra cha sở và cha phó là một “cặp đôi hoàn hảo”. Cả hai không những hiểu ý mà còn rất ăn ý với nhau.
Trong những đám tiệc, cha phó và cha sở ngồi gần nhau trong một bàn. Bao giờ cha phó cũng mời cha sở trước thể hiện tinh thần “kính lão đắc thọ”. Sau đó cũng không kém phần hiểu biết, cha sở mời lại cha phó để khuyến khích tinh thần “tre già măng mọc”. Hai cha “đi bài” chuẩn không cần chỉnh. Không ai nói được gì. Sau đó là hai người uống rất ít. Cả hai đều là những người uống rượu khá nhưng rất chừng mực. “Cặp đôi hoàn hảo” ấy bảo vệ nhau kỹ như hậu vệ Ý bảo vệ khung thành. Cha sở có tài uống rượu theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Ai mời thì ngài vui vẻ nhận lời. Giơ cao ly rượu lên, uống kêu một cái rất to và rất ngọt. Nhìn kỹ thì ly rượu vơi đi rất ít. Có lẽ là ngài uống được 10% cũng có khi là 10 phần nghìn. Người ta thấy cha sở uống thế thì không dám nói gì. Đến lượt cha phó họ tưởng ngài sẽ khá hơn. Vì ngài là “măng mọc” nên sẽ uống cạn đến giọt cuối cùng. Nhưng, không ngờ cha phó cũng sao y bản chính chiêu của cha sở. Ngài lập luận: “Tôi là cha phó nên không thể vượt mặt cha sở được. Phải “kính lão” mới “đắc thọ” chứ! Thế thì… Amen. Chẳng ai nói được gì. Cả hai đều ra sức chống đỡ cho người kia. Thấy “đội mình” yếu thế là phải “tiếp viện” liền. Hôm nào cha sở thấy cha phó muốn vui vẻ thêm là ngài biết ý, đi về trước và không quên dặn dò bà con giáo dân: “Các ông liệu đấy! Cha phó có sứt mẻ gì thì các ông biết tay tôi”. Câu này vừa nhắc nhở những “anh hùng tửu chiến” nhưng đồng thời cũng khuyên cha phó phải biết làm chủ bản thân. Vui chơi nhưng không được bỏ rơi nhiệm vụ.
Sự hiện diện của hai cha trong các dịp hiếu, hỷ làm cho bà con giáo dân thấy ấm áp và phấn khởi. Hai cha không chỉ hiện diện mà còn đem đến những câu chuyện hài hước. Ở một đám cưới nọ, có người hỏi cha sở thế này: “Cha sở cho con được mạn phép hỏi một câu này: Cha không ăn được món gì ạ? Để chúng con biết mà tránh làm những món đó.” Cha sở đáp: “Tôi thì món gì cũng ăn được hết, trừ món đu đủ nấu cơm mẻ. Còn uống thì cũng vậy, trừ món sinh tố đu đủ xay với rau má. Tài năng chơi chữ của cha sở thật thâm thúy. Trong bàn có người cười giòn tan, có người thì hơi gượng vì chưa hiểu mô tê gì cả.
Một ông khác tiếp lời: “Chúng con chắc chắn là không dám làm hai món đó đãi cha đâu ạ! Tội chết! Cha sở vui tính quá! Nhân đây con mời cha phó một ly ạ!” Cha phó uống chút xíu rồi đưa lại cho khổ chủ.
- Trời ơi! Cha lại đi bài cũ rồi!
- Ừ! Thì nó là “truyền thống” của nhà xứ mà!
- Con nghe nói cha văn chương hay lắm. Bây giờ cha chỉ nói một câu thôi. Nếu câu đó con không đối đáp lại được thì không chỉ ly này, mà ai mời cha ly nào, con xin “thầu” hết cho cha luôn.
- Cái này là ông tự nguyện ra điều kiện nhé! Không ai ép uổng nghen! Có cha sở và mọi người làm chứng. Tôi sẽ nói để ông uống phần còn lại của ly rượu nè: “Thà cho tôi mù chứ đừng để cái cù trong ly. Thà giết tôi đi chứ đừng để cái ly còn cù.” Mời ông uống cho.
Cao thủ! Ông kia không thể đối đáp lại câu nói của cha phó. Ông chỉ còn biết câm nín mà uống phần còn lại của ly rượu đã được cha phó “ngự ban”. Chẳng lẽ lại để cho cha phải mù hay giết cha. Câu này thật là hóc búa. Tâm phục khẩu… nhập. Thế mới biết tài năng văn chương của cha phó thật là lợi hại.
Cha sở và cha phó quả là “người tám lạng kẻ nửa cân”. Bà con giáo dân hết sức tự hào và hạnh phúc về các cha của mình. Bà con vui hơn khi nhìn thấy hai cha yêu thương và đoàn kết. Hai cha trở thành mẫu gương cho cả giáo xứ noi theo. Người này nói với người kia về gương sống của hai cha. Cả giáo xứ sống thật hạnh phúc.
Laurensô
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment