110 †.Ngài Gọi Con.†---Xuất Tu!!! - ♫♫- Ngài Gọi Con -♫♫

†.Ngài Gọi Con.†---Xuất Tu!!!

Xuất tu. Đó là quyết định của tôi sau bao tháng ngày vò đầu suy nghĩ. Dù rằng tôi đã tuyên khấn được vài năm, nhà dòng vẫn yêu mến tôi. Nhưng tôi vẫn quyết định rời bỏ nhà dòng để về lập gia đình. Nhà dòng cho tôi một thời gian để cầu nguyện và suy nghĩ lại. Sau thời gian đó, tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình là xin về. Nhà dòng chấp nhận đề nghị của tôi. Lý do xuất tu tôi đã bộc bạch với nhà dòng khá rõ. Tôi đã từng bị lạm dụng tình dục nhiều lần vào thời thơ ấu. Vì thế, tôi cảm thấy mình bị cám dỗ nhiều về chuyện đó, không thể thắng nỗi những ham muốn thân xác, lỗi lời khấn và phạm tội nhiều.

Nhà dòng tôn trọng quyết định của tôi. Đang khi chuẩn bị rời khỏi nhà dòng, nhà dòng báo tin đó cho một linh mục và đã từng là cha giáo dạy tôi. Ngài muốn nhà dòng cho tôi đi tĩnh tâm để xem lại ơn gọi. Nhưng người hướng dẫn bảo rằng chưa có tiền lệ. Em không muốn tu thì cứ để cho em về. Cha giáo đề nghị giúp tôi tĩnh tâm tại nhà. Nhà dòng đồng ý và tôi cũng chấp nhận.

Trong ngày tĩnh tâm đầu tiên, tôi đã chia sẻ với ngài những gì tôi đã trải qua và hậu quả cũng như tình trạng hiện tại mà tôi đang phải đối mặt. Tôi vẫn muốn tu, yêu thích đời tu. Vậy mà tôi không sao thắng được những hình ảnh của ký ức dĩ vãng. Cha trả lời “Nếu quả thực vấn đề đúng như con trình bày thì con nên về lập gia đình thì tốt hơn. Nhưng cha không chắc là vấn đề của con là chuyện đó”. Câu trả lời của ngài khiến tôi suy đi nghĩ lại mãi.

Trong ngày thứ nhất, cha yêu cầu tôi viết về người bố của mình. Phản ứng của tôi là “Không! Con không viết”. Một phản ứng khá gay gắt mà tôi không kiềm chế nổi. Cha nhẹ nhàng nói với tôi “Con đừng chạy trốn sự thật. Vì như Chúa Giê su nói chỉ có sự thật mới giải thoát được cho con”. Sau những giằng co, dằn vặt, tôi vâng lời cha và viết thư cho bố tôi. Hôm sau tôi gởi lá thư đó cho cha giáo. Một lá thư viết tay, dài tới 8 trang đã bị chính tôi xé nát trước khi đưa cho cha. Trong lá thư này, tôi không che dấu cảm xúc thật của mình. Những gì khiến tôi ấm ức nhất với bố tôi trước đây, tôi đã viết ra hết.

Cha không giật mình vì hành vi của tôi. Ngài kiên nhẫn ghép những mảnh giấy lại với nhau để đọc lá thư của tôi. Sau khi đọc xong, cha hỏi tôi “Tại sao lúc cha bảo con viết thư cho bố, con lại trả lời ngay là không”. Tôi đáp “Vì tính con rất giống tính bố con”. Cha cười và nói “Vấn đề là ở chỗ đấy”.

Cha tiếp tục yêu cầu tôi truy tìm nguyên nhân tại sao bố tôi lại ứng xử bất công với mẹ tôi và gia đình tôi như thế. Lá thư thứ hai lại ra đời. Trước khi viết lá thư thứ hai tôi đã cố đi tìm những gốc rễ khiến bố tôi lại hành xử như vậy để biện minh cho những việc làm bất công của bố tôi. Trước đây, tôi hận bố tôi vô cùng. Nhưng sau khi viết xong lá thư thứ nhất, tôi cảm thấy nhẹ lòng và bắt đầu cảm thấy không còn ghét và hận bố tôi như trước đây nữa. Càng tìm hiểu về con người và cuộc đời bố tôi, tôi càng thấy thương bố. Tôi đã nhận ra rằng mình trách oan bố nhiều quá. Đặc biệt, sau khi nghe cha giải thích về các hành vi của bố, tôi thấy mình thật bất hiếu. Bất hiếu nhất là chẳng chịu tìm hiểu gì về bố nên mới có những uất ức và thù hận như vậy. Vậy là lá thư minh giải những hành vi kỳ cục của bố tôi đã được chính tôi viết xong. Cha giáo yêu cầu tôi viết cả hai thư làm thành một lá gồm hai phần. Phần thứ nhất nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình về bố. Phần thứ hai của thư nhằm biện minh cho những việc làm đã khiến tôi đau khổ, uất ức và hận thù. Sau khi gởi lại cha lá thư thứ ba, cha hỏi “Con có còn cảm thấy bị câu thúc, cám dỗ về chuyện cũ không”. Tôi đáp “Hết rồi cha ạ”. Cha nói “Vấn đề của con không nằm ở chỗ tính dục mà ở lòng thù hận đó con. Chính lòng thù hận tác động và ảnh hưởng rất nhiều lên đời sống tính dục của con người”. Cha nói tiếp “Giờ con có muốn làm hòa với bố con không”. Tôi hỏi lại “Bằng cách nào cha”. Ngài nói “Gởi lá thư này cho bố con”. Sau một thoáng suy nghĩ tôi gật đầu. Cha quyết định tìm gặp bố tôi và đưa tận tay lá thư này cho bố.

Sau chuyến vi hành của cha, bố con tôi đã hiểu nhau hơn và đã tha thứ cho nhau. Cha kể rằng sau khi đọc phần đầu của lá thư, bố đã khóc như một em bé. Bố cứ ngỡ rằng tôi rất thương bố, vì bố rất thương tôi. Đọc xong phần hai, nét mặt bố tôi tươi hẳn lên vì biết rằng tôi đã hiểu được những nỗi đau của bố.

Cha quay trở lại nhà dòng và hỏi tôi “Giờ con quyết định thế nào”. Tôi trả lời ngay “Con xin tu tiếp. Bởi vì những ham muốn giờ đây như đã biến mất. Con không còn cảm thấy câu thúc và đòi hỏi như trước đây nữa”. Cha mỉm cười và nói “Con đã quyết định đúng”. Nhà dòng vui mừng chấp nhận ước nguyện ở lại của tôi. Bạn bè trong lớp đến chúc mừng tôi. Gia đình tôi thì tràn ngập niềm vui hơn bao giờ hết. Bố đã nhận ra được những sai lầm của bố và con cũng nhận ra được những sai lầm của con. Bố con tôi càng thương nhau hơn.

Sau khi tuyên lời khấn trọn đời trọng thể, tôi cảm thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc, nhất là nhớ lại thời khắc Chúa đã ra tay cứu tôi ra khỏi một bàn thua trông thấy. Cám ơn cha, vị linh hướng đã giúp con thoát được khỏi sự ngộ nhận bi đát mà lâu nay tôi đã tưởng nó là chân lý; sự ngộ nhân đã làm cho con rơi vào tình trạng tăm tối và đau khổ bấy lâu nay. Không phải chỉ có tôi nói lên lời cám ơn cha mà cả nhà dòng và nhất là gia đình tôi đã đến để cám ơn cha vì tất cả những gì cha đã làm cho tôi và gia đình tôi.

Tôi biết rằng cha cũng rất hạnh phúc khi tham dự lễ khấn trọn đời của tôi. Nhìn nụ cười điềm đạm, chân thành của cha, tôi cảm được tình thương mà cha dành cho tôi. Điều tôi học được nơi cha chính là sự kiên nhẫn và quý trọng ơn gọi. Tôi biết cha đã chịu đựng những hành vi không bình thường của tôi trong vui tươi, không một lời trách móc. Cha tôn trọng mọi quyết định của tôi, nhưng luôn gợi ra cho tôi những vấn nạn buộc tôi phải đi tìm cho mình câu trả lời. Nói chuyện với cha, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, tin tưởng. Tôi không thấy cha kết án ai mà chỉ tìm cách làm giảm nhẹ hành vi của những ai đã làm cho mình đau khổ. Với cha mỗi một con người luôn là một ẩn số, một huyền nhiệm, rất đáng để cho mọi người tìm kiếm và khám phá mỗi ngày.


Ngày Chúa được tôn dương 2017
Sr. Maria Bích Trì

No comments:

Post a Comment