110 [ Ngài Gọi Con ] __ Những giọt nước mắt của Mẹ - ♫♫- Ngài Gọi Con -♫♫

[ Ngài Gọi Con ] __ Những giọt nước mắt của Mẹ

Đang bán gà ngoài chợ, chị Hai Lệ được tin thằng Ân nhập viện trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh. Chị lật đật, chạy về nhà rồi đi thẳng đến bệnh viện mà trong lòng nóng như lửa đốt. Vừa đến cửa phòng cấp cứu, bác sĩ đã trực sẵn, với lời dặn dò: “Chị về chuẩn bị hậu sự cho cháu là vừa. Nước đã tràn vào phổi quá nhiều. Hiện tại cháu đã hôn mê và chúng tôi đang nỗ lực cấp cứu cho cháu. Nhưng không hy vọng là mấy.” Vừa nghe đến đó chị choáng váng mất thăng bằng, rồi khụy xuống đất mà ôm mặt khóc.

Image result for nước mắt
***

Không biết từ bao giờ mà người ta gọi chị bằng cái biệt danh chị Hai Lệ. Thật ra chị tên thật là Nguyễn Thị Bé Hai, nhưng vì lúc nào người ta cũng chỉ thấy chị buồn và hay khóc, nên mấy bà bán hàng chung ở chợ đặt cho chị biệt danh Hai Lệ. Nghe vậy chị cũng chẳng màng. Bởi thật ra cuộc đời chị gắn liền với chữ lệ. Chị khóc nhiều hơn cười, buồn nhiều hơn vui. Mấy bà bạn hàng bán chung dường như chưa bao giờ thấy chị cười. Họ hay nói với nhau: “Con Hai Lệ cứ đưa cái mặt buồn như đưa đám ấy mà bán hàng ai mà mua.” Ấy vậy mà chị lại có duyên buôn bán. Lúc nào chị cũng bán đắt hơn người khác, nhiều khi mới hơn 7 giờ sáng chị đã bán sạch trơn. Mấy bà bạn hàng ghen tị nói bóng nói gió: “Ê có khi nào nó bỏ bùa vô hàng không mày? Chứ tao thấy gà nó bán có hơn gà của tao đâu. Mà biết sao được bà ơi, nhiều khi Chúa lấy cái này, Chúa cho cái khác. Mấy bà tặc lưỡi rồi lái qua chuyện khác...”

***

Thì Chúa cho cái này mà lấy cái khác, nhưng có lẽ cái Chúa lấy đi của chị quá nhiều đó là nước mắt. Từ thời còn con gái, chị phải tần tảo lo cho cha mẹ và các em. Đến tuổi lấy chồng, chị quen và yêu một người ngoại đạo. Gia đình ai cũng cản ngăn. Đã vậy, anh là con nhà Đạo Phật, lại là cháu đích tôn nên ba má anh không cho theo đạo. Gia đình chị lại ra điều kiện, nếu không theo đạo thì không cưới hỏi gì hết. Chị khóc hết nước mắt, cuối cùng anh cũng chịu làm phép chuẩn với điều kiện con cái sinh ra sẽ được rửa tội. Thế nhưng, về sống với anh đã hơn ba năm mà chị vẫn chưa có con. Mẹ chồng có ý muốn anh bỏ chị để có cháu nối dõi. Chị lại khóc. Mà cũng chẳng biết làm gì ngoài khóc. Nghe nói ông thánh Giu-se ở ngã tư Bảy Hiền linh lắm nên chị đến đó xin khấn. Thời may, chị có thai, rồi sinh được thằng con. Để tạ ơn Chúa, chị đặt cho nó tên Trần Hồng Ân. Thằng nhỏ sinh ra được ông bà nội nuông chiều hết sức.

***

Sinh con được vài tháng, chị và chồng phải gửi con cho ông bà nội mà lên Sài gòn tìm kế sinh nhai. Cuộc sống dưới quê, hai vợ chồng làm không đủ ăn, đủ mặc. Hơn nữa chồng chị mắc chứng bệnh viêm gan siêu vi B, sức khỏe kém, đi làm được vài ngày phải nghỉ vì sức khỏe không đảm bảo. Bữa chị khuyên chồng thôi vợ chồng mình làm liều, lên Sài Gòn lập nghiệp, đặng sau này có ít vốn nuôi con ăn học. Thế là hai vợ chồng ra đi để đứa nhỏ lại cho ông bà nội nuôi.

***

Thằng Ân ở với ông bà nội, đạo Phật, nên chẳng biết Chúa, Mẹ là ai, lâu lâu lại theo nội đi cúng chùa. Vài ba tháng ba mẹ cũng về thăm một lần, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ với một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Học hết lớp 5, nó nghe theo chúng bạn trốn học đi bụi đời. Bà nội đi tìm, mang về nhà, được vài ba bữa nó lại đi.
< Nhiều khi đang bán hàng, chị bị công an mời lên phường để bảo lãnh cho con, vì nó chưa đủ tuổi vị thành niên. Những lúc như thế chị chỉ biết khóc và cầu xin với Đức Mẹ ban ơn cho con của chị. Nhưng dường như Chúa với Đức Mẹ phớt lờ, hay bận bịu ban ơn ở đâu đó mà quên đi nỗi đau của chị.

***

Khổ với con chưa đặng hay sao mà Chúa lại tiếp tục mang cái khổ khác đến cho chị. Chồng chị, vì sức khỏe kém, lại không thể làm ăn gì được nên đâm ra bực bội vì thua kém vợ. Cái sĩ diện của một thằng đàn ông chuyên ăn bám vợ đã khiến tính nết anh thay đổi nhanh chóng. Đạo nghĩa anh bỏ bê không nói, đàng này anh nhậu nhẹt liên miên, về nhà thì lấy cớ “con hư tại mẹ”, tìm cách đánh đập chị. Chị Hai Lệ chỉ còn biết khóc cho thân phận mình. Nhiều khi đi bán, mắt thâm tím vì đêm qua bị chồng đánh, nhưng chị cứ phải nói dối mấy bà ngoài chợ: “Lỡ chợt chân té mà!”. Rồi ngoảnh mặt cố né tránh ánh mắt dòm ngó nghi ngờ của người khác.

***

Đêm đêm chị lại khóc. Khóc vì chồng. Khóc vì con. Khóc vì thân phận mình. Chỉ còn biết trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Suốt ngày, hễ ngơi ra người ta sẽ thấy chị lần hạt, miệng cứ lẩm bẩm. Tuy vậy, càng cầu nguyện nhiều, càng đọc kinh nhiều, thì dường như Chúa càng chơi trò chơi trốn tìm với chị. Với chị, chưa bao giờ nhờ đọc kinh mà chị được an lòng, được như lòng mong ước dù chỉ là không rơi lệ chỉ một ngày. Phép lạ Chúa có thể làm ở đâu đó, cho ai đó chứ với chị thì không bao giờ. Nhưng chị không còn cách nào khác ngoài việc kiên trì cầu nguyện.

***

Rồi một buổi sáng, khi chị đang bán hàng thì thình lình thằng Ân xuất hiện trước mặt chị, với cái ba lô khoác trên vai.

- Má con đi đây! Gọn lơ, không chút cảm xúc.
- Mà con đi đâu? Chị như đứng hình chỉ còn kịp hỏi lại.
Nhưng câu hỏi của chị không được thằng Ân đáp ứng. Nó bỏ đi. Chị nghĩ thì nó cũng đã từng đi như vậy. Chỉ về nhà khi trên người đầy dẫy vết thương, tay chân bê bết máu. Được vài bữa, có khi vết thương chưa lành nó lại đi. Nhưng lần đi này chị có cảm giác khác lạ. Bởi những lần trước chưa bao giờ nó từ giã chị. Lần này nó lại chào chị, với ánh mắt đục mờ, không tương lại, không định hướng. Chị lại khóc, nước mắt ngắn dài. Chỉ còn lẩm bẩm như thói quen: “Mẹ Maria ơi, cứu lấy con của con, thằng Ân, đứa con mà con cầu xin mãi mới sinh ra nó, xin Mẹ hãy cứu lấy con của con…” Chị khóc nghẹn ngào đến nỗi kinh Kính Mừng cũng đọc không ra, cứ nghẹn ngào, rồi nức nở…Mấy bà ngoài chợ chặc lưỡi: “Lại khóc, tao mà có thằng con như thằng Ân thà tao đẻ trứng rồi ăn còn sướng hơn. Thủa nào thằng con khốn nạn, không biết thương mẹ là gì…”

***

Đang lim dim nằm trên võng nghỉ trưa, tay cầm tràng hạt, bỗng chị nghe tiếng thằng Ân thủ thỉ bên tai:
- Má! Con về rồi.
- Tổ cha mà! Mấy năm nay con đi đâu? Nói chưa dứt câu chị đã khóc.
- Dạ, con đi làm ăn, tính làm lại cuộc đời, bởi bấy lâu nay đã sống không đúng, làm cho ba má khổ. Nên con quyết định định thay đổi cuộc đời. Thời may con được các cha giúp đỡ. Các ngài lại tạo điều kiện cho con học nghề, rồi nhận con đi tu, trở thành tu sĩ. Nay con về, đặng làm giấy tờ, rồi xin chữ ký của ba má, chấp nhận cho con đi tu.

Nghe con nói mà chị không tin vào tai mình nữa. Đứa con chị tưởng đã mất, nhưng nay nó lại về. Nó về không những trở thành một con người khác, mà còn muốn theo Chúa sống đời dâng hiến. Chị ngơ khác, không hiểu thật hay mơ, hỏi lại:
- Con nói sao? Con đi tu? Con làm lại cuộc đời? Rồi chị khóc òa lên.
Tiếng khóc của chị những tưởng như người ta mất mát một cái gì đó lớn lắm trong cuộc đời. Nhưng đây không phải là mất mát, mà là tìm lại được, gặp lại được, nhận lại được đứa con hoang đàng…

***

Thế rồi cũng đến ngày con chị được vào Nhà Tập, được mặc áo dòng đen. Chính tay chị may áo cho nó, rồi cũng chính chị mang áo lên cho con, mà nghẹn ngào sung sướng không thể tả nổi. Chị tạ ơn Chúa, vậy là Chúa và Mẹ đã nhận lời rồi. Vậy là Chúa và Mẹ chịu làm phép lạ trên cuộc đời khốn khổ của con rồi. Hai mẹ con ôm nhau ngay trên gian cung thánh mà khóc nức nở. Thằng Ân mặc cái áo dòng vào, nó cảm nhận cái áo được đan dệt bằng nước mắt của mẹ nó. Người mà nó đã làm cho khổ cực bao nhiêu lâu nay.

***

Vừa bước xuống khỏi gian cung thánh, bỗng chị thấy một đám người lạ mặt chạy đến vây kín, chỉ thẳng vào mặt hai mẹ con chị mà chửi: “Ối giờ ơi! Thằng mất dạy đó mà tu tác gì. Đồ cái quân đâm thuê chém mướn, đồ quân trộm cướp, che mắt các cha được chứ làm sao mà che mắt thiên hạ được…Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu. Mày tưởng mày mặc áo dòng vô thì đương nhiên là thầy tu hả. Trên người mày, mặt mũi mày đầy dẫy nào là thẹo chằng chịt, nào là vết xăm ngang dọc. Có chết cũng không rửa sạch tội lỗi của mày chứ đừng nói là đổi đời.” Rồi người ta bao vây lấy chị: “Đồ cái thứ đàn bà, phận làm vợ, làm mẹ mà không biết sống hòa thuận với chồng, không biết nuôi dạy con…giờ túng đường quá, mới gửi cho các cha, đặng được làm bà cố hả. Không có đâu, đừng có mơ…” - Không! Không! Không phải thế, con tôi đã ăn năn rồi, xin các người cho con tôi cơ hội làm lại cuộc đời. - Nhìn cái mặt là biết quân ăn cướp, đâm thuê chém mướn, nó mà tu tác nỗi gì. - Tôi xin các người, van các người hãy cho con tôi cơ hội làm lại cuộc đời… Chị càng van xin, đoàn người càng ngày càng đông, chỉ chỏ, chửi rủa mẹ con chị, đoàn người mỗi ngày một đông…chị chỉ còn biết la lên: “Không! Tôi xin các người cho con tôi cơ hội sửa đổi. Không! Không!...” - Nè chị! Chị ơi! Chị mơ gì thế - tiếng cô y tá đánh thức chị Hai Lệ. Chị mơ gì mà vừa khóc vừa la thảm thiết thế. Chắc chăm con mấy ngày không ngủ nên mệt rồi. Thôi để tôi dìu chị lên giường nằm nghỉ. - Dạ! Được rồi cô y tá, làm phiền cô quá, tôi chỉ nằm mơ thôi. Chị tỉnh giấc, bần thần người chưa hiểu giấc mơ có ý nghĩa gì. *** Những ngày thằng Ân nằm viện chồng chị vẫn sáng xỉn chiều say, chị phải nghỉ chợ ở luôn trong bệnh viện chăm cho thằng Ân. Nhiều khi chị ngồi bên giường con mà khóc ròng, tay thì cầm tràng hạt cầu nguyện cho con chị tai qua nạn khỏi. Bữa chị vừa nắm tay con, mắt nhắm rồi lẩm bẩm lần hạt, bỗng thấy tay thằng Ân động đậy. Chị mở mắt, ánh nhìn đầu tiên chị thấy con chị, thằng Ân, ánh mắt nó đã không còn mờ đục nữa, nó mấp máy môi: “Con đang ở đâu đây má?” Chị thấy con tỉnh lại thì vui mừng khôn tả, trả lời con: “Con bị chìm tàu khi đi chơi ở Biển Nha Trang, người ta cứu con được…con cứ nằm nghỉ đi…”. Rồi chị chạy vội đi gọi báo cho bác sĩ con chị đã tỉnh lại. Các bác sĩ cũng vô cùng ngạc nhiên về tình trạng của thằng Ân. Phần lớn cho rằng nó sẽ không qua khỏi, ấy vậy mà nó lại tỉnh lại. Bác sĩ cho rằng chỉ có phép lạ xảy ra thôi, chứ chúng tôi đã bó tay. Chị ôm thằng Ân vào lòng rồi vừa khóc vừa nói: “Con tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ Ma-ri-a đã nhận lời con…” Thằng Ân nhìn thẳng vào mắt mẹ rồi nói: - Má, con thấy con đi tu, con được làm một thầy tu. Con được mặc áo dòng đen đẹp lắm má. Áo dòng tay dài, che hết người con, che tất cả những thương tích trên người con…Con thấy má cười, con thấy má vui lắm. Chị Hai Lệ cũng vô cùng ngạc nhiên với giấc mơ của con. Nó trùng khớp với giấc mơ của chị. Chị lại ôm nó vào lòng rồi nói: - Con tỉnh lại là má vui rồi. Chúa và Mẹ đã cứu con. Tạ ơn Chúa. Thằng Ân nhìn thẳng vào mắt mẹ mà nói: - Má! Trong cơn hoảng loạn, con bỗng nghe tiếng má nó: “làm dấu Thánh giá đi con!” Thế là con làm dấu rồi chìm nghỉm…Khi tỉnh lại biết là mình đã được cứu. Chúa đã cứu con phải không má? Con hứa với má, từ nay con sẽ làm lại từ đầu. Ráng chí thú làm ăn, không giang hồ lêu lổng nữa…con xin lỗi má. À mà má, có khi nào Chúa gọi con đi tu không má. Sao con mơ thấy được làm thầy tu… - Ừ, sao cũng được, miễn là con sống tốt là má vui rồi. - Dạ, con hứa với má cho dù con đi tu hay sống ở đời thì cũng sẽ trở thành người lương thiện, để má không phải khóc nữa… Hai mẹ con ôm nhau mà khóc, nước mắt ngắn dài. Bất chợt chồng chị xuất hiện. Anh không nói không rằng, tiến lại gần hai mẹ con, lấy tay ôm chầm lấy cả hai rồi thỏ thẻ: - Tất cả là lỗi tại anh đã không sống trọn trách nhiệm làm chồng làm cha của mình. Anh xin lỗi hai mẹ con… *** Cũng có câu chuyện nghe cứ như cổ tích giữa thời hiện đại này. Tin không? Nhưng tôi lại tin, bởi khi nhìn những vết xăm trên tay Ân, tôi thấy ở đó có cả một quá khứ đen tối, nhưng nhìn vào mắt em, tôi lại thấy cả một tương lai tươi sáng. Người xưa có câu: “Không có vị thánh nào mà không có quá khứ, cũng như không có tội nhân nào mà không có tương lai.” Ân còn cả một tương lại. Em đến với tôi với ý muốn trở thành một tu sĩ của Chúa. Thật sự tôi cũng chỉ có thể giúp em trong khả năng của mình. Phần còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào em. Không biết, với kinh nghiệm đổ vỡ của mình, em có thể vượt qua những thử thách mà bất kì một ai muốn theo Giê-su buộc phải vượt qua hay không? Và liệu rằng người ta có thể chấp nhận cho một người có quá khứ đen tối đã được đóng dấu vào thân xác mình bằng những vết theo ngang dọc và những vết xăm chằng chịt. Liệu rằng…có tương lai nào cho một tội nhân không? Tuy vậy, những giọt nước mắt của người vợ, người mẹ, cả một đời vì chồng vì con, sẽ là cách thức cầu nguyện hữu hiệu nhất, và là bệ phóng cho bất kỳ một tương lai tương sáng nào. Cuối cùng, thế nào đi nữa, thì Chúa cũng sẽ nhận lời…Tôi xác tín như vậy. Bạn có tin thế không?
 Lm. Mar –Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

No comments:

Post a Comment