***
Học xong lớp mười hai, tôi tự tin thi đại học sư phạm với ước mơ sẽ trở thành thầy giáo, chỉ để gõ đầu mấy đứa trẻ trong xóm. Quê tôi xa lắm, xa ơi là xa tựa như người ta hay kể chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa vậy. Xa đến nỗi mà được đi học là một thứ xa xỉ với đám con nít chúng tôi. Xa đến nỗi mà chỉ duy nhất mình tôi là có thể đi học hết lớp mười hai. Còn lại, đám con nít thanh niên, đứa học nhiều lắm là qua lớp sáu. Thế rồi không có tiền, phải nghỉ học giữa chừng, rồi lại lẽo đẽo theo mẹ đi chợ, hoặc những trưa nắng lội ruộng bắt mấy con cá rô, mò mấy con ốc…
Tự thấy mình học cũng giỏi, nên tự tin thi đại học sư phạm, mà là sư phạm toán mới ghê chứ. Vậy mà… Tổng cộng cả ba môn thi chỉ được bảy điểm rưỡi. Thiệt chán hết sức, nói ra còn thấy hổ thẹn thêm.
Đành gác luôn cái ước mơ gõ đầu trẻ qua một bên, tôi đón xe lên Sài Gòn với hy vọng sẽ đổi đời. Chứ ở riết cái miền quê này, không đi chăn trâu cũng nuôi vịt chạy đồng, biết đời nào mà ngóc đầu lên nổi.
***
Chờ mãi từ sớm mới đón được một chuyến xe, tôi bị người ta nhồi lên xe cứ như một đứa trẻ nhét cả đống cơm trong miệng vì đói. Một ông già râu tóc bạc phơ, ôm khư khư cái giỏ tụng, bên trong có con gà. Thấy tôi lên xe, ông ôm con gà vào lòng như thể sợ tôi lấy mất. Kế bên, người đàn bà đoán chừng ngoài bốn mươi ôm chặt cái thúng đầy ứ các loại bánh. Sau lưng, một thanh niên tay chân xăm xanh đỏ, đầu cạo trọc, miệng rít điếu thuốc, mùi khói thuốc trộn lẫn với mùi xăng xe nồng nặc. Xa hơn phía trước vài người gục đầu lên vai nhau mà ngủ. Một bà mẹ tay ôm đứa bé cứ khóc rân, chị kéo áo cho nó bú. “Mặc kệ ai nhìn thì nhìn, miễn cục cưng của mẹ không khóc là được rồi heng!” Chị nói nhỏ với đứa con.
Bầu không khí nặng trịch, hôi hám, một người phụ nữ không chịu nổi nôn ói ọe ọe, nước mắt nước mũi tè le. Tưởng rằng tôi sẽ chết được nếu chỉ đi thêm vài phút nữa. Bỗng ông cụ già có con gà cất tiếng nói:
- Nè chú em, tắt điếu thuốc lá đi dùm cái, không thấy người ta say xe hả.
Như được khai mào, mọi người cũng hùa nhau: Phải rồi, xe đã hôi cậu còn lại hút thuốc. Cậu thanh niên nhìn có vẻ giang hồ nhưng cũng dụi ngay điếu thuốc như cảm thấy mình có lỗi. Rồi mọi người trong xe bắt đầu cởi mở hơn, tiếng nói chuyện thăm hỏi vang dần.
- Nè ông già, ông có con gà gì mà ôm khư khư thế? Ông đưa nó lên Sài gòn không được đâu, dạo này cúm gia cầm người ta bắt dữ lắm à ngheng. – giọng một người đàn ông trung niên lên tiếng.
- Tôi mang nó lên cho thằng cháu, nó thích nuôi gà. Trên trển không có giống gà này.
- Cho xem thử gà ông thế nào? Người đàn ông nói tiếp.
Ông già lôi con gà từ trong giỏ ra, mân mê cái ức nó rồi cầm trên tay đưa cho người đàn ông.
- Tôi thấy con này được, bán cho tôi đi, năm trăm được không?
- Ai chà, gà này tôi cho cháu, bao nhiêu cũng không bán.
- Chê ít hả ông già, thôi tám trăm?
- Ừ…mà bán rồi tôi lấy gì làm quà cho thằng nhỏ. Thôi tôi không bán đâu – Ông già tỏ vẻ lưỡng lự.
- Ghẹo ông già chơi chớ tôi đâu có phải dân đá gà mà mua. – Người đàn ông nói xong, rồi cười.
Bên cạnh, người ta cũng bắt đầu hỏi thăm nhau. Chị phụ nữ bán bánh dạo, ngày hai lượt đi chuyến xe này đến bến phà thì xuống, đặng bán cho khách đi phà. Cậu thanh niên thì bỏ nhà đi hoang vì cá độ. Người phụ nữ ôm đứa con đi kiếm chồng, số là chồng chị đã bỏ nhà đi từ ba tháng nay.
- Thế còn chú em, chú đi đâu? Nhìn có vẻ thư sinh, đi học hả? –người đàn ông quay qua hỏi tôi.
- Hả? chú hỏi con?
- Ừ! Chú em lên Sài Gòn làm chi, bộ đi học hả?
- Dạ. Không! Con đi làm.
- Làm gì? Có chỗ chưa?
- Dạ chưa? Con không biết phải đi đâu, cứ lên Sài Gòn rồi tính sau.
- Trời đất ơi! Chú em không có người quen, sao mà xin việc được. Hay là theo tôi, tôi dẫn đi làm, bữa nay tôi cũng đang cần thợ.
Chẳng biết sao tôi lại gật đầu cái rụp mà không suy nghĩ gì. Nghe câu gợi ý của người đàn ông tôi như vớ phải được vàng, nhưng vừa mừng lại vừa lo. Không biết đời mình sẽ ra sao? Tôi tặc lưỡi, thôi kệ, đời trai mà.
Và thế là cuộc đời tôi đã sang trang từ sau cái gật đầu đó, từ sau chuyến xe đó.
***
Đến nơi làm, tôi mới biết đó là công trình của một tu viện Công giáo. Mà từ trước giờ tôi có tới tu viện hay nhà thờ nhà thánh bao giờ đâu. Gia đình tôi gốc đạo Phật, thờ Phật cũng mấy đời. Mà ở quê tôi cũng chẳng có cái nhà thờ nào. Chỉ biết rằng mỗi khi rằm, bọn con nít chúng tôi hay vào chùa trộm đồ cúng ăn, nhiều lần bị các sư bắt quả tang quất cho vài roi.
Những ngày đầu tôi đến đây làm việc buồn đến chết được. Thế rồi, ngoài giờ làm, tôi tò mò, lân la đến những nhóm các bạn trẻ tụ họp ca hát gì đó, rồi quen, tôi xin vô sinh hoạt cho vui, chứ buổi tối một mình nơi công trường cũng chẳng biết làm gì.
***
Vậy đấy, tôi đến với Chúa một cách vô tình như thế. Sau khi theo học chung với các bạn di dân, tôi bắt đầu thắc mắc về Chúa, về Mẹ, rồi cũng tập tành đi lễ. Lúc đầu cũng chẳng hiểu gì nhiều, nhưng càng nghe nhiều, tôi như nhận được sức mạnh và sự tự tin vào cuộc sống. Nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Chúa.
Thế vẫn chưa đủ, nhìn các cha các thầy phục vụ nơi đây, lòng tôi bất chợt lóe lên một ước muốn lạ thường: “Có đời nào mình đi tu trở thành linh mục không ta?”
***
Và rồi câu hỏi của tôi đã được trả lời bằng sự nâng đỡ rất nhiệt tình của các cha nơi đây. Công trình hoàn tất, tôi được học đạo, rửa tội, rồi được các cha nâng đỡ, tôi đậu đại học sư phạm theo ý mình ước mong.
Thời gian đầu thật khó khăn với tôi, bởi một người theo đạo đã khó, nay là một tân tòng tôi lại chọn đời sống dâng hiến lại khó biết chừng nào. Nhưng rồi tất cả cũng qua đi, dù rằng tôi bị gia đình phản đối kịch liệt vì ước nguyện chẳng đâu vào đâu của mình.
Ngày chịu chức linh mục, gia đình tôi không có ai tham dự, nhưng tôi biết ở ngay bên cạnh tôi Chúa luôn hiện diện và đồng hành, Chúa không để tôi phải cô đơn bao giờ.
Cũng vài lần về quê, tôi khuyên ba má và các anh chị theo đạo, nhưng có lẽ thật khó để có thể thay đổi một não trạng đã ăn sâu vào nếp sống của gia đình tôi.
***
Ngày ba tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời, tôi và các cha về làm tang lễ cho ba, cả xóm tụ lại dáo dác lạ lùng với những tu sĩ linh mục. Sau đám tang vài tuần, má tôi gọi điện lên báo tin má và các anh chị sẽ theo học đạo. Tôi mừng vui không kể siết. Đúng là Chúa có cách làm việc riêng của Chúa mà chúng ta không hiểu được.
***
Thế rồi, người ta cũng dựng được một ngôi nhà nguyện nho nhỏ, ngay ngã ba kênh. Vài gia đình Công giáo tụ họp mỗi ngày Chúa nhật đi lễ. Má tôi mừng ra mặt, giờ đi nhà thờ không phải đi xa nữa.
***
Ngày giỗ giáp năm của ba, tôi về quê thăm má và các anh chị, rồi dâng lễ giỗ cho ba, cùng ăn với nhau bữa cơm quê. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình thanh thản và bình an như thế. Má nói gia đình mình là những thợ làm vườn nho giờ thứ mười một của Chúa phải không con?
***
Sáng sớm, tôi đón xe lên Sài Gòn, bỗng hình ảnh của chuyến xe năm nào lại hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi ước sao có thể gặp lại người đàn ông năm nào đã dắt tôi đến công trường chỉ để nói lời cảm ơn, mà dường như mất hút, như không bao giờ có thể gặp lại.
Những con người ngồi trong xe dáo dác, ngơ ngác, mệt mỏi, bận rộn lo toan với miếng cơm manh áo trên đường đi tìm ước mơ đổi đời. Một cậu thanh niên ngồi kế bên, gục đầu lên thành ghế mà ngủ. Bất chợt, tôi hỏi:
- Này chú em, chú đi đâu thế?
- Dạ con đi học, con mới đậu đại học sư phạm.
- Có chỗ nào ở trọ chưa?
- Dạ chưa! Con chẳng biết phải thế nào nữa.
- Theo tôi, tôi giới thiệu chỗ ở cho…
Bạn có tin chuyến xe và cuộc gặp gỡ của cậu bé hôm nay có là chuyến xe và cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời như tôi không? Có Chúa mới biết được.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
No comments:
Post a Comment