Quá nửa đời người mà con cứ như đứa bé, mỗi lần nghĩ về Mẹ là nước mắt cứ chực rưng rưng. “Tuổi già như trái chín cây” của Mẹ đã làm con nơm nớp lo lắng đủ điều. Biết Mẹ trông tin con lắm, Mẹ hãy nghe con kể chuyện Mẹ nhé !
Bắt đầu từ đâu đây Mẹ ơi ?! Nếu con có thể kể về những tháng ngày trong bụng Mẹ hoặc thời thơ ấu hạnh phúc trên gối Mẹ thuở nào, thì quả là con không nói về những kinh nghiệm của chính mình, nhưng về một cậu bé nào khác đấy. Thế nhưng con như có linh cảm rằng mình đã nghiệm được phần nào tình ý của Mẹ ngay từ cái thuở ban sơ ấy. Biết bao lần trong đời con đã tự hỏi : việc ngắm nhìn một bà mẹ ột ệt với bào thai hay một chú bé đang say sưa ôm đôi bầu sữa, phải chăng là một điều bất xứng !? Nhưng thú thật, con đã chẳng vượt qua được “cơn cám dỗ” này. Con muốn hình dung lại tuổi thơ của mình và thậm chí còn ước mơ trở về cái thời bé bỏng ngày xưa. Mẹ ơi, vì hình ảnh sống động ấy đã nung nấu trong trái tim con một tình yêu tha thiết dành cho Mẹ. Cánh chim bay nhảy khắp bốn phương trời hôm nay đã từng yếu đuối mong manh như thế trong cung lòng vòng tay của Mẹ. Người Việt mình thường ví von : “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thật vậy, con nào có thể chứa đâu cho hết, nói mấy cho vừa. Con chỉ muốn nhắc lại nơi đây một vài kỷ niệm khó quên để biết rằng, Mẹ luôn có mặt bên con trong đời, bằng sự tận tâm chăm sóc hay tin tưởng nguyện cầu, góp phần quan trọng hình thành và nuôi dưỡng nơi con lý tưởng ơn gọi.
Con lên tám tuổi, trước ngày rước lễ lần đầu, Mẹ đã bị cha sở quở trách giữa nhà thờ vì có thằng con trai đọc kinh quá lớn tiếng, lấn át hết mọi người, thậm chí đọc cả phần dành riêng cho linh mục. Sở dĩ như thế là vì con đã thuộc lòng hầu hết những bài kinh dài vắn từ thuở còn đưa võng nằm nôi, Mẹ đọc ngân nga đưa con vào giấc ngủ. Mẹ chẳng bao giờ quên nhắc con phải đọc một câu kinh nào đó trước mỗi món quà, khi ăn cơm và lúc đi ngủ. Mẹ cũng đã mất nhiều thời giờ giúp con chuẩn bị và sốt sắng tham dự những thánh lễ “dỏm” con dâng bằng chăn màn, khoai khô và nước chè đậm. Mẹ tập cho con trang trí bàn thờ và không quên ngắt những cánh hoa dại cài lên áo con, sau lưng và trước ngực. Mẹ đã chẳng bật cười khi há miệng chắp tay đón nhận lát khoai khô mà con vừa trao, vừa dám tuyên bố với Mẹ rằng: “Ðây là Mình Thánh Chúa”. Mẹ còn quỳ gối cúi đầu làm dấu thánh giá khi con “ban phép lành cuối lễ”... Nhiều lần “làm lễ” quá cẩu thả, con bị Mẹ phạt, bắt làm lại từ đầu. Hôm nào đi vắng suốt ngày, khi trở về, Mẹ thường hỏi : “Hôm nay ở nhà, con đã dâng lễ chưa?”. Có phạm thánh không Mẹ ơi, sao con thấy dễ thương quá ! Lớn hơn một chút, khi con được phân công giúp lễ, dù mấy bận bịu, không bao giờ Mẹ vắng mặt ở nhà thờ. Chính tay Mẹ đã chuẩn bị y phục và chải đầu rẽ ngôi cho con, đưa con đến tận cửa phòng thánh, rồi vội vàng tìm chỗ đầu hàng ghế giữa lòng nhà thờ để dễ bề nhìn ngắm con. Những lúc ấy, nhìn bàn thờ thì ít, Mẹ nhìn con nhiều hơn, Mẹ con mình hiểu nhau qua ánh mắt, phải thế không ? Còn nữa, con còn nhớ những đồng bạc giấy mới tinh Mẹ đã gom góp suốt tuần và trang trọng trao vào tay con mỗi lần đi tham dự thánh lễ thiếu nhi ngày Chúa Nhật. Mẹ đã tập cho con ý thức và niềm vui chung góp, đến độ có lần con đã không chịu đi dự thánh lễ vì Mẹ đi vắng chẳng ai cho tiền mới tinh như của Mẹ.
Mẹ ơi, những việc thật nhỏ đó, Mẹ đã làm với tất cả tâm tình, niềm tin và hoài bão. Mẹ đã đầu tư cho con trai Mẹ những trương mục thiêng liêng vô giá. Mẹ đã khắc ghi vào tâm can đứa trẻ những hình ảnh và âm thanh đầu tiên rất linh nghiệm đến suốt đời không thể xóa nhòa. Con đã vào Tiểu Chủng viện ở tuổi mười hai, lên Ðại Chủng viện khi quê hương vừa hòa bình. Và không biết là may mắn hay rủi ro, khi mãn Ðại Chủng viện, con bước vào đời bằng bảy năm đợi chờ trong mái ấm gia đình, được chia sẻ tận cùng với Mẹ Cha nếp sống nông dân thấm mồ hôi nước mắt, nhưng cũng đầy những kỷ niệm và những bài học quý giá cho cuộc đời.
Suốt những năm tháng dài nhọc nhằn đó, hình ảnh người phụ nữ đẹp nhất trong con vẫn là Mẹ. Sợ con ngã lòng thất vọng, Mẹ luôn tận tuỵ với con như một đứa trẻ, cho dù con đã quá tuổi trưởng thành. Mẹ đã dành cho con rất nhiều ưu tiên trong những phương tiện nhỏ hẹp của gia đình lúc ấy. Con còn nhớ mỗi lần vào bàn ăn, Mẹ luôn ưu ái bới cho con những bát cơm trắng. Thấy con ngần ngại chối từ, Mẹ cắt nghĩa rằng ăn cơm độn khoai sắn sẽ quên hết những gì đã học. Mẹ ơi, có thật thế không ? Sao nhiều bài học con đã trót quên, còn tình Mẹ thì ngày thêm sâu đậm.
Giữa bao điều con không thể quên là câu chuyện về ba ổ gà mái. Năm ấy trong nhà chỉ còn có Cha Mẹ và con, Mẹ dọn bữa cơm tối ngoài sân khi nắng chiều vừa tắt. Nhìn ba con gà mái tơ đang tranh nhau những hạt cơm rơi rớt, nghĩ rằng để Cha Mẹ vui, con đã cao hứng đề nghị: “Con trắng thuộc về Cha, con nổ là của Mẹ, phần con cô màu vàng. Con sẽ làm ba cái ổ rơm trên giàn chuồng heo, gà ai đẻ nhiều trứng nhất, người ấy thắng cuộc”. Ngược lại, như để chiều ý con, cả Cha lẫn Mẹ đều vui vẻ hưởng ứng cái trò trẻ con ấy. Chỉ mấy hôm sau, cả ba con gà đều đồng loạt nhảy ổ và bắt đầu cho trứng. Con lãnh nhiệm vụ kiểm trứng mỗi chiều và thông báo kết quả cho cả nhà vào giờ cơm tối. Tuần lễ đầu, ba ổ trứng luôn sít soát bằng nhau: một, hai rồi ba trứng. Cả ba con mái bắt đầu được nuôi ăn kỹ hơn; trong giờ cơm, gà của ai quấn quít bên chân người ấy. Sang tuần lễ sau, ổ gà vàng của con đã vượt lên dẫn đầu, dần dần bỏ xa, rồi gấp đôi hai ổ gà của Cha và Mẹ. Con rất thích thú về ổ gà của mình và hay đùa rằng mình có tay nuôi gà lấy trứng, không sợ thất nghiệp. Dù thua, Mẹ chẳng thèm “ganh tỵ” với con tí nào, lại hay tìm dịp biện luận: “Ðiều ấy chứng tỏ tương lai của con còn sáng sủa lắm, chứ không hoàn toàn tối tăm đâu, đừng nản lòng !”. Cho đến một ngày, con bất ngờ khám phá ra sự may mắn của mình. Tưởng con đã đi nghỉ trưa như thường lệ, Mẹ trèo lên chỗ để ba ổ gà. Chợt nhìn thấy, con dừng lại, nép mình sau cánh cửa để quan sát. Mẹ nhẹ nhàng lấy một quả trứng nơi ổ gà của Mẹ, cẩn thận đặt vào ổ gà của con, rồi vội vàng bước xuống với một nụ cười mãn nguyện. Thì ra Mẹ đã làm như thế Mẹ ơi ! Con bắt quả tang sự “gian lận” của Mẹ rồi ! Con chạy cắm đầu vào phòng và trên giường nằm khóc tức tưởi, mặc cho hạnh phúc, cảm xúc dâng trào. Ðể niềm vui của Mẹ được trọn vẹn, vào cuối cuộc chơi, con đã im lặng nhận lấy phần thắng mà nghe sống mũi cay xè, cất giấu tận đáy lòng hình ảnh cảm động mình đã nhìn thấy. Cha về nhì với vẻ mặt không quen nói dối vì đã đồng tình để ổ gà của mình chịu chung số phận.
Mẹ ơi, Mẹ luôn có đủ hy sinh để yêu thương, có đầy sáng kiến để chăm sóc. Mẹ quả cảm nhẫn nại đến chừng nào! Mẹ đã truyền cho con sự sống, hướng dẫn con bao ý tứ tâm tình. Và trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời, tình mẫu tử thiêng liêng dịu dàng đó đã dấy lên trong con sức mạnh chiến đấu, niềm tin chiến thắng. Ba ổ trứng đã biến thành ba bầy gà con xinh xắn, xúm xít chút chít quanh sân nhà. Cuối cùng, lũ cháu đàn con của chúng đã góp phần làm tăng thêm niềm vui cho mọi người quanh mâm bàn ngày con trở về “vinh quy bái tổ”, hai hôm sau khi chịu chức linh mục.
Ngày lễ tạ ơn tại quê nhà, trời đã vào đông mà vẫn đầy nắng ấm. Con xúng xính trong chiếc áo lễ mới màu vàng có thêu mấy chiếc hoa hồng đỏ thắm đầy gai, cũng sau lưng và trước ngực. Khi con đến cho Mẹ chịu lễ, cầm Mình Thánh Chúa trong tay, không ai nói với ai mà cả hai cùng nức nở, vì hồi tưởng lại những lát khoai ngô ngày nào… Cũng chính hôm ấy, giữa hàng ngàn tín hữu đưa tay làm dấu khi con ban phép lành đầu tay cuối lễ, con biết chắc chắn Mẹ là người hạnh phúc nhất, vì đã từng giúp con nuôi nấng ấp ủ giấc mơ thánh thiện này từ khi con còn tấm bé, bằng cả đời hy sinh cầu nguyện.
ĐỨC CHA GIUSE CHÂU NGỌC TRI
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment