110 Ngài Gọi Con Blog - Tóm Tắt Kinh Thánh Trọn Bộ - ♫♫- Ngài Gọi Con -♫♫

Ngài Gọi Con Blog - Tóm Tắt Kinh Thánh Trọn Bộ

TÓM TẮT THÁNH KINH
I. CỰU ƯỚC: 46 cuốn

a. Sách lịch sử: 21 cuốn, 5 cuốn đầu gọi là Ngũ kinh

Sáng thế (50), Xuất hành (40), Lê-vi (27), Dân số (36), Đệ nhị luật (34), Giô-suê (24), Thủ lãnh (21), Rút (4), 1 Sa-mu-en (31), 2 Sa-mu-en (24), 1 Vua (22), 2 Vua (25), 1 Sử biên niên (29), 2 Sử biên niên (36), Ét-ra (10), Nơ-khe-mi-a (13), Tô-bi-a (14), Giu-đi-tha (16), Ét-te (10), 1 Ma-ca-bê (16), 2 Ma-ca-bê (15).

b. Sách giáo huấn: 7 cuốn

Gióp (42), Thánh vịnh (150), Châm ngôn (31), Giảng viên (12), Diễm ca (8), Khôn ngoan (19), Huấn ca (51).

c. Sách tiên tri: 18 cuốn: 6 cuốn đầu ngôn sứ lớn và 12 cuốn sau ngôn sứ nhỏ

I-sai-a (66), Giê-rê-mi-a (52), Ai ca (5), Ba-rúc (6), Ê-dê-ki-en (48), Đa-ni-en (14), Hô-sê (14), Giô-en (4), A-mốt (9), Ô-va-đi-a (14 câu), Giô-na (4), Mi-kha (7), Na-khum (3), Kha-ba-cúc (3), Xô-phô-ni-a (3), Khác-gai (2), Da-ca-ri-a (14), Ma-la-khi (3).


II. TÂN ƯỚC: 27 cuốn, chia làm 3 loại

a. Lịch sử: 5 cuốn: 4 Tin mừng và sách Cộng vụ tông đồ

Mát-thêu (28), Má-cô (16), Lu-ca (24), Gio-an (21) và Công vụ tông đồ (28).

b. Sách Giáo huấn: 21 cuốn: 14 thư đầu của Thánh Phaolô và 7 Thư chung

Rô-ma (16), 1 Cô-rin-tô (16), 2 Cô-rin-tô ( 13), Ga-lát (6), Ê-phê-sô (6), Phi-líp-phê (4), Cô-lô-xê (4), 1 Thê-xa-lô-ni-ca (5), 2 Thê-xa-lô-ni-ca (3), 1 Ti-mô-thê (6), 2 Ti-mô-thê (4), Ti-tô (3), Phi-lê-môn (25 câu), Do-thái (13), Gia-cô-bê (5), 1 Phêrô (5), 2 Phêrô (3), 1 Gio-an (5), 2 Gio-an (13 câu), 3 Gio-an (15 câu), Giu-đa (25 câu)

c. Sách tiên tri: 1 cuốn

Khải huyền của Thánh Gioan(22).

III. NỘI DUNG CÁC SÁCH

1. Sách Sáng thế (St): Trình bày lịch sử sơ khai của vũ trụ và nguồn gốc loài người. làm khởi điểm cho hành trình lịch sử cứu độ, mà Thiên Chúa đã từng bước thực hiện nơi dân tộc Do Thái là dân riêng của Người.

2. Sách Xuất hành (Xh): Sách xuất hành kể lại việc Thiên Chúa giải phóng dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập; cuộc hành trình trong sa mạc và việc Thiên Chúa kết giao ước với dân riêng của Người trên núi Sinai.

3. Sách Lêvi (Lv): Trình thuật những nghi thức tế tự, và phong chức các tư tế; những luật lệ liên quan đến việc thanh sạch và uế tạp; nghi thức về ngày đại xá tội và lời chúc lành, chúc dữ; định rõ những điều kiện để chuộc người, vật và các thứ khác hiến dâng cho Thiên Chúa.

4. Sách Dân số (Ds): Ghi lại những biến cố của cuộc hành trình trong sa mạc, cuộc khởi hành trên núi Sinai được sửa soạn bởi việc kiểm tra dân số; việc đánh chiếm các dân trên đường tiến về đất hứa và việc định cư tại đất Canaan.

5. Sách Đệ Nhị Luật (Đnl): Đây là bản dân luật và luật tôn giáo do Môsê soạn tác. Trong sách này ghi lại một phần các lề luật được ban trên núi Sinai; đồng thời nhắc lại những biến cố chính trong sa mạc và mặc cho nó một ý nghĩa tôn giáo, hầu thôi thúc dân trung tín với Thiên Chúa.

6. Sách Giô-suê (Gs): Kể lại cuộc đời của một vị tướng tên là Giô-suê, từ lúc lãnh đạo dân đánh chiếm Đất hứa và phân chia đất đai; cho đến những diễn từ cuối đời của Giô-suê, nhất là đại hội tại Sikhem.

7. Sách Thủ lãnh (Tl): Sách kể lại việc các chi tộc Israel lập cư ở Canaan, nhất là giới thiệu về hoạt động của những thẩm phán đã được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt để hướng dẫn và giải thoát dân riêng của Người.

8. Sách Rút (R): Kể về câu chuyện một thiếu phụ người Mô-áp tên là Rút, chồng ba quê ở Belem sang lập cư ở Mô-áp. Sau khi chồng chết bà đã trở về Giuđa với mẹ chồng là bà No-ê-mi và đã cưới Bo-as một người bà con của chồng. Câu chuyện trên đây xây dựng với một mục đích ca ngợi lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng xót thương cả người ngoại bang. Sự kiện Rút được nhìn nhận là tổ mẫu của Đavít đã đem lại cho quyển sách một giá trị đặc biệt, và thánh Má-thêu đã ghi tên bà Rút vào gia phả của Chúa Giêsu.

9. Sách I Sa-mu-en (Sm): Nói về sự ra đời của vị thẩm phán cuối cùng trong dân tộc Israel có tên gọi là Samuel, mở màng cho chế độ vương quyền; đồng thời tường thuật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi sự đe doạ của dân Philitinh và dân A-ma-lếch.

10. Sách II Sa-mu-en (Sm): Ghi lại những kết quả chính trị của triều đại Đavít: quân Philitinh bị đẩy lui vĩnh viễn, việc thống nhất đất nước được hoàn toàn, Giêrusalem trở thành kinh đô chính trị và tôn giáo của vương quốc.

11. Sách I Vua (1 V): Sách các vua ghi lại lịch sử của một dân tộc được Thiên Chúa cứu thoát; đồng thời cũng cho thấy thái độ vô ơn của dân được tuyển chọn. Sự sụp đổ của dân tộc xem ra đã làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa; nhưng người ta thấy luôn luôn có một nhóm trung tín không chịu quỳ gối trước Ba-an, một số sót của Si-on trung tín với giao ước của Giavê.

12. Sách II Vua (2 V): Ghi lại những nét thăng trầm của lịch sử Israel, sự xuất hiện can thiệp của các tiên tri đối với các vua, giúp cho dân chúng thức tỉnh tinh thần quốc gia và cuộc cải cách tôn giáo. Sự sụp đổ Giêrusalem và đợt đi đầy thứ hai.

13. Sách I và II Sử biên niên (Sb): Là cuốn sách ghi lại những sự việc của Do Thái giáo vào thời kỳ sau lưu đầy trước năm 300. Tác giả là một người Lêvi nhắc lại cho những người dân cùng thời rằng: đời sống của dân tộc tuỳ thuộc vào sự trung thành với Thiên Chúa. Việc trung thành này hệ tại ở việc tuân giữ lề luật của Chúa và bằng việc phụng thờ Thiên Chúa với lòng đạo đức chân thật.

14. Sách Ét-ra (Er) và Nơ-khe-mi-a (Nkm): Là sách miêu tả sự trở về Giêrusalem giữa những đổ nát sau cuộc lưu đày, việc xây dựng lại thành thánh và cộng đoàn. Hơn thế nữa, tác giả xác tín rằng đền thờ là dấu chỉ hiện hữu của Thiên Chúa. Cho nên, con người phải biết lo chu toàn việc phụng thờ Thiên Chúa. Ét-ra và Nơ-khe-mi-a là hai vị lãnh đạo đã khôi phục lại Giêrusalem, đền thờ, luật Môsê, việc phụng tự và sự trung thành với nòi giống.

15. Sách Tô-bi-a (Tb): Là một câu chuyện gia đình Ninivê được Thiên Chúa quan phòng yêu thương. Qua đó tác giả muốn khai triển một ý niệm rất cao trong tinh thần Kitô giáo về hôn nhân: nếu tin tưởng và sống theo đường lối của Thiên Chúa thì sẽ được Ngài che chở và yêu thương.

16. Sách Giu-đi-tha (Gđt): Sách Giu-đi-tha là câu chuyện về một cuộc toàn thắng của dân Israel trên quân thù là đế quốc Assur, qua sự can thiệp của một người đàn bà tên là Giu-đi-tha. Sự toàn thắng của Giu-đi-tha là phần thưởng cho lời cầu xin và việc tuân giữ luật thanh sạch. Sàch đã được viết tại Phalêtin vào giữa thế kỷ thứ II trước công nguyên.

17. Sách Ét-te (Et): Kể chuyện một cuộc giải thoát nhờ một người đàn bà tên là Ét-te. Dân Do thái tại đế quốc Batư bi đe doạ tiêu diệt do sự ghen ghét của quan Đại Thần tên là Aman, nhưng đã được cứu thoát nhờ sự can thiệp của Ét-te; một người đồng hương đã trở thành Hoàng Hậu được người cậu là Marđôkê hướng dẫn. Một sự đảo lộn tình thế diễn ra: Aman bị treo cổ, Marđôkê thay chỗ, người Do thái tàn sát kẻ thù.

18. Sách I Ma-ca-bê (I Mcb): Tác giả Macabê là một người Do thái nhiệt thành với lòng tin vào Thiên Chúa, đã xem những khốn cùng và thất bại của Israel như một trừng phạt tội lỗi mà lòng xót thương của Thiên Chúa muốn dùng sửa trị dân; đồng thời tác giả coi những thành công của các nhân vật là do sự trợ giúp của Thiên Chúa.

19. Sách II Ma-ca-bê (II Mcb): Không phải là một tác phẩm tiếp theo của Ma-ca-bê I. Sách kể lại cuộc chiến tranh giải phóng do Giu-đa Ma-ca-bê lãnh đạo, được ơn thiêng liêng nâng đỡ và toàn thắng nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa. Sách Ma-ca-bê II quả quyết về vấn đề người chết sống lại, những hình phạt đời sau, lời cầu nguyện cho kể chết và công trạng của những người tử vì đạo.

20. Sách Gióp (G): Sách kể về cuộc đời của một con người có tên là Gióp, đã bị thử thách trăm triều: trước sự tấn công của Satan, của gia đình, của bạn bè. Nhưng ông đã vượt thắng được tất cả nhờ có lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu.

21. Thánh vịnh (Tv): Thánh vịnh là những lời cầu nguyện của Cựu ước. Chính Thiên Chúa đã gợi lên những tâm tình con cái Người phải có đối với người, và cũng là những lời con người phải dùng để ngõ cùng Thiên Chúa.

22. Sách Châm ngôn (Cn): Nói về việc Thiên Chúa ân thưởng sự chân thật, bác ái, sự trong sạch của lòng trí, và đức khiêm nhường; đồng thời Chúa cũng xử phạt những ai sống giả dối, ích kỷ, kêu ngạo và lòng trí xấu xa. Nguồn gốc và tóm lược của tất cả các nhân đức là sự khôn ngoan.

23. Sách Giảng viên (Gv): Ghi lại những lời của Cohelet con của Đavít vua Gierusalem. Trước những hiểu biết, của cải, tình yêu và sự sống; tất cả điều làm cho con người thất vọng khi đứng trước sự chết. Nhưng Cohelet không ngỡ ngàng trước thế thái nhân tình đó, vì mọi sự đều do Thiên Chúa qui định và con người phải đón nhận từ bàn tay Ngài những thử thách cũng như những vui mừng; con người phải tuân giữ các lệnh truyền và kính sợ Thiên Chúa.

24. Sách Diễm ca (Dc): Được xếp vào loại sách khôn ngoan, vì đã đề cập tới như những sách khôn ngoan khác, thân phận của con người. Đến một trong những khía cạnh cốt thiết của con người. Theo cách diễn tả của mình. Diễm ca giáo dục người đọc về sự tốt lành và phẩm giá của tình yêu giữa người nam và người nữ.

25. Sách Khôn ngoan (Kn): Salômôn được kể là tác giả của sách. Ong đã nêu lên vai trò của khôn ngoan trong vận mệnh con người và so sánh số phận của người công chính với kẻ gian ác, trong cuộc sống sau khi chết. Ong cũng trình bày về nguồn, bản chất của khôn ngoan và những cách thức thu thập khôn ngoan. Cuối cùng ông đã ca ngợi hành động khôn ngoan của Thiên Chúa trong lịch sử dân Israel.

26. Sách Huấn ca (Hc): Là quyển sách nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa do Ben Sira rao giảng. Khởi đầu của khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa, khôn ngoan đem lại tươi trẻ và hạnh phúc. Ben Sira tin ở sự thưởng phạt, cảm thấy tầm quan trọng bi đát của giờ chết; nhưng ông chưa biết Thiên Chúa sẽ trả lại cho mọi người theo hành động của họ thế nào? Tác giả đã đồng nhất khôn ngoan với lề luật được Môsê loan báo.

27. Sách Ngôn sứ Isaia (Is): Tiên tri Isaia luôn ý thức về sứ vụ ngôn sứ của Chúa trao cho ông trong đền thờ. Ong sống niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa là Đấng Thánh, Đấng Quyền Năng, là Vua. Ong luôn hy vọng vào “số sót” trong dòng tộc Đavít sẽ được Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc.

28. Sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr): Đây là một bộ tự thuật của tiên tri Giêrêmia đã mạnh mẽ giống tiếng cảnh tỉnh dân tộc của mình phải trung thành với Thiên Chúa không được chạy theo các thần ngoại lai; đồng thời ông cũng can đảm vạch rõ những lỗi lầm bất tài của vua Israel. Mặc dù sứ vụ Giêrêmia đã thất bại lúc sinh tiền, nhưng dung mạo của ông vẫn không ngừng lớn lên sau khi ông chết.

29. Sách Ai-ca (Ac): Sách Ai-ca dành cho ngày kỷ niệm đền thở bị phá huỷ; gồm các bài “điếu tang”, than khóc cánh. Đây là những lời than khóc cảnh hoang tàn và bi đát của thành Giêrusalem. Chính lòng trông cậy kiên vững vào Thiên Chúa trong nỗi đau đớn tuyệt vọng của con người làm nên giá trị bất hữu của những bản ai ca này.

30. Sách Ê-dê-ki-en (Ed): Đây là bộ sách ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của một vị tiên tri sống trong thời kỳ lưu đầy. Qua những thử thách kinh nghiệm riêng tư mà Thiên Chúa đã gởi đến cho ông, cũng là những dấu chỉ cho dân Israel. Ong loan báo Đấng Mêssia sẽ đến thưởng phạt xét xử tuỳ theo việc làm của mỗi người.

31. Sách Đa-ni-en (Đn): Sách có mục đích nâng đỡ lòng tin và niềm cậy trông của các người Do Thái bị Antiôkhô Ephiphanê bách hại. Đanien và các bạn của ông đã trải qua những thử thách như họ; nhưng các ông đã vượt thắng và những kẻ ra tay bách hại đã phải nhìn nhận quyền năng Thiên Chúa đích thực.

32. Sách Ba-rúc (Br): Cho chúng ta biết về đời sống tôn giáo của người Do thái ở các cộng đoàn hải ngoại và ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đối với dân Do thái sau biến cố thảm khốc mất thành thánh.

33. Sách A-mốt (Am): A-mốt là một mục tử tại Tơqoa được Thiên Chúa sai đi nói tiên tri dưới thời Giêrôbôam II (783-743). Nhân danh Thiên Chúa, Amốt đã lên án cuộc sống của những người dân thành thị, những bất công xã hội, những nghi lễ không hồn. Thiên Chúa sẽ sửa phạt và Ngài sẽ cứu thoát nhà Giacóp.

34. Sách Hô-se (Hs): Hô-sê quê ở phía bắc sinh sống cùng thời với Amốt. Hô-sê là người đầu tiên đã diễn tả những liên lạc giữa Giavê và Israel trong ngôn ngữ của một cuộc hôn nhân. Ong nhấn mạnh về tình thương Thiên Chúa không được dân Người đón nhận hay đã được đáp lại bằng những bội phản.

35. Sách Mi-kha (Mk): Là người Giuđa quê ở Môrêshêr ông thi hành sứ vụ tiên tri trong những năm 712-701. Mikha có một ý thức rõ rệt về ơn gọi tiên tri của mình, ông loan báo những tai ương xảy tới do tội tôn giáo và tội luân lý. Nhưng Mikha vẫn hé mở hy vọng về sự cứu thoát của Giavê.

36. Sách Xô-phô-ni-a (Xp): đã rao giảng dưới triều đại Yôsya 640-609. Ong loan báo về hình phạt Giavê sẽ giáng xuống trên dân Israel về lỗi lầm tôn giáo và luân lý do lòng kiêu ngạo và bất phục tùng; nhằm đưa dân về lại con đường vâng phục và khiêm tốn. Sự cứu rỗi chỉ được hứa ban cho một “số sót” khiêm tốn.

37. Sách Na-khum (Nk): Thi hành sứ vụ tiên tri trong khi dân Israel đánh chiếm Ninivê 612. Sự sụp đổ của Ninivê là một án Thiên Chúa phạt kẻ phá hoại kế đồ của Người. Lời tiên tri nói thay lòng căm tức của Israel đối với kẻ thù truyền kiếp là Assur; đồng thời nói về sự công chính và lòng tin của dân đối với Thiên Chúa.

38. Sách Kha-ba-cúc (Kb): Thi hành sứ vụ tiên tri đồng thời với Nakhum và Giêrêmia, Habacúc đã đem lại một nét mới mẻ trong cách giáo lý của các tiên tri; Thiên Chúa toàn năng chuẩn bị cho sự toàn thắng cuối cùng của kẻ chính trực công chính sẽ được sống bằng sự trung tín của mình.

39. Sách Khác-gai (Kg): Nói những lời khích lệ với dân Israel trong việc khôi phục lại đất nước sau thời lưu đầy vào khoảng tháng 8 tới tháng 12 năm 520. Việc xây dựng đền thờ sẽ đem lại kỷ nguyên của thịnh vượng và là điều kiện để Giavê ngự đến ở với dân Người. Như thế thời cứu chuộc cánh chung đã hé mở.

40. Sách Da-ca-ri-a (Dcr): Viết sách vào khoảng từ tháng 10 năm 520 đến tháng 2 năm 519. Ong chú trọng đến việc tái thiết đền thờ; nhưng ông cũng nhấn mạnh đến việc tái thiết quốc gia bằng sự tinh sạch và luân lý. Dacaria cũng loan báo cách bí nhiệm về sự phục hưng của nhà Đavít và về Đấng bị đâm thâu.

41. Sách Ma-la-khi (Ml): Thi hành sứ vụ tiên tri vào những năm 514-445. Malakhi nói đến hững lỗi lầm về tế tự và tín hữu; nạn hôn nhân dị biệt và ly dị đồng thời ông cũng loan báo về ngày Giavê sẽ thanh luyện những kẻ gian ác và ban phần thưởng cho những người công chính.

42. Sách Ô-va-đi-a (Ôv): Là sách ngắn nhất trong các sách tiên tri chỉ có 21 câu. Ong loan báo về hình phạt E-đom và lời hứa Thiên Chúa sẽ cứu độ trong ngày chung thẩm.

43. Sách Giô-en (Ge): Xuất hiện sau thời lưu đầy, ông loan báo nạn cào cào châu chấu sẽ tàn phá Giuđa đưa đến một nghi lễ phụng vụ tang chay và khẩn nài; ông cũng nói về cuộc phán xét các dân tộc và sự toàn thắng của dân Israel.

44. Sách Gio-na (Gn): Sách ghi lại câu chuyện của một tiên tri bất tuân muốn tránh sứ vụ tiên tri của mình. Sách có mục đích giáo huấn cho những đe doạ là những biểu hiện của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng chỉ chờ một dấu hối cải để ban ơn tha thứ.

45. Tin Mừng Mathêu (Mt): Nói về gốc tích và những năm tháng đầu đời của Chúa Giêsu và Ngài đi rao giảng Tin mừng Nước Trời, các mầu nhiệm Nước Trời cũng như Nước đã gần đến. Cuối cùng là nói đến cuộc thương khó và phục sinh của Ngài.

46. Tin Mừng Macô (Mc): Tường thuật lại sự kiện Giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu; nhắc đến sứ mạng dọn đường của Gioan Tẩy Giả và việc Chúa Giêsu chịu phép rửa và chịu cám dỗ. Ngoài ra, Thánh sử Mácô nhấn mạnh đến sự tương quan của Chúa Giêsu với mọi người và hé mở mầu nhiệm Con Người Đức Kitô, đến trần gian diễn tả tình yêu qua biến cố tử nạn và phục sinh.

47. Tin Mừng Luca (Lc): Tin Mừng Thánh Luca đặc biệt nhấn mạnh đến lòng thương xót, bao dung, tha thứ của Đức Kitô. Đặc biệt là các giáo huấn của Chúa Giêsu về việc ăn năn sám hối, cầu nguyện và sống bác ái yêu thương; đồng thời Luca cũng gieo rắc niềm vui trước lời loan báo ơn cứu độ, trước các phép lạ, những lần Chúa Giêsu hiện ra; Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội. Đặc biệt nơi Luca chan chứa hoan lạc vì ơn cứu độ đã có được ngày hôm nay.

48. Tin Mừng Gioan (Ga): Khác với Tin Mừng nhất lãm, Gioan muốn chứng minh Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã hiện hữu ngay từ lúc khởi đầu, là nguồn mạch sự sống của nhân loại, là ánh sáng thật đến giữa thế gian, là Đấng mạc khải cho nhân loại biết khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa Cha. Thêm vào đó, Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ của con người trong quyền năng của một Thiên Chúa, để mở cho nhân loại thấy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng như sự sống đời đời được khai mở nơi chính Ngài.

49. Sách Công vụ tông đồ (Cv): Tường thuật những hoạt động truyền giáo của hai vị thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Vì vậy, có thể so sánh Công vụ tông đồ là sách lịch sử về Hội thánh sơ khai; đồng thời tác giải yêu cầu đế quốc Rôma nhìn nhận Kitô giáo được tự do về mặt tôn giáo và có quyền bình đẳng với các tôn giáo khác trong đế quốc.

50. Thư gởi tín hữu Rôma (Rm): Đang khi rao giảng ở Côrintô thánh Phaolô được ông Aquila và bà Picilia cho biết về tình trạng của giáo đoàn Rôma. Thánh nhân đã viết thư gởi cho tín hữu với nội dung: Tin mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ mọi người, trước là người Do thái sau là người Hy lạp và ngài nêu lên một số điểm thực hành cho các tín hữu.

51. Thư I & II gởi tín hữu Cô-rin-tô (Cr) Thánh Phaolô thành lập giáo đoàn Côrintô trong chuyến chuyền giáo thứ hai khoảng năm 50-52. Vì đức tin kitô hữu còn non trẻ cần tìm một mảnh đất mầu mở Kitô giáo để có thể lớn lên. Thánh Phaolô đã hướng dẫn các tín hữu ý thức hội nhập đức tin kitô giáo vào nền văn hoá ngoại giáo.

52. Thư gởi tín hữu Ga-lát (Gl): Sau khi thánh Phaolô rời Galát, các tín hữu gốc Do thái từ Giêrusalem đến làm lung lạc đức tin của anh em tín hữu gốc lương dân. Họ đòi buộc các tín hữu phải giữ luật Môsê, nhất là luật cắt bì. Cho nên, thánh Phaolô viết thư biện minh về sứ vụ tông đồ của mình và tuyên bố ơn công chính không do làm việc luật dạy, nhưng là bởi lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô, đồng thời ngài khuyên các tín hữu bám chặt vào Chúa Giêsu sống theo ơn Chúa Thánh Thần, nhất là sống bác ái.

53. Thư gởi tín hữu Ê-phê-sô (Ep): Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ, mà Người đã sắp đặt từ bao đời trước. Mầu nhiệm quy tụ muôn loài dưới quyền Thủ Lãnh là Đức Kitô. Kêu gọi chiêm ngưỡng công trình Thiên Chúa thực hiện qua Đức Kitô và khuyên đọc giả sống kết hiệp với Đức Kitô.

54. Thư gởi tín hữu Phi-li-phê (Pl): Đây là một trong những bức thư chan chứa tình cảm. Thánh Phaolô viết trong lúc Ngài bị cầm tù, ngài vui mừng và hoan lạc trong cảnh tù đầy của mình; đồng thời Thánh nhân khuyên giáo đoàn Philiphê sống đức tin vững vàng, hiệp nhất với nhau và đề phòng những người không trung tín với Tin mừng.

55. Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê (Cl): Trong khi thánh Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma, nhận được tin giáo đoàn Côlôxê đang bị đe doạ đời sống đức tin. Thánh nhân viết thư đề cao quyền tối thượng của Chúa Kitô và khuyên nhủ các tín hữu đề cao cảnh giác đối với những người gieo rắc những sai lầm. Ngài nhắc lại một số điểm cần thực hiện trong gia đình, cộng đoàn và xã hội.

56. Thư I gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (Tx): Vào khoảng năm 50 khi thánh nhân ở Côrintô, nhận được tin giáo đoàn Thêxalônica đã gặp những điều cần giải quyết về luân lý cũng như giáo lý Chúa quang lâm. Với những lời đậm đà tình thương nhưng rất đanh thép, đã củng cố được đức tin non yếu của tín hữu, đồng thời khẳng định về giáo lý Chúa quan lâm cho những người Do thái cứng lòng tin.

57. Thư II gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (Tx): Thánh Phaolô viết thư trấn an và chỉnh đốn cộng đoàn về việc chờ đợi Chúa quang lâm. Thánh nhân khẳng định phải có những dấu hiệu báo trước khi Chúa đến ; những cuộc khủng bố bắt bớ các kitô hữu; tiếp theo là bỏ đạo quy mô, sau cùng là tên gian ác xuất hiện.

58. Thư I gởi ông Timôthê (Tm): Sau khi ra khỏi tù ở Rôma đã viết thư này gởi cho người đồ đệ thân tín mà thánh nhân đã đặt lên thay ngài coi sóc giáo đoàn. Nội dung lá thư đưa ra những chỉ dẫn giúp Timôthê tổ chức, điều khiển cộng đoàn và khuyên trung thành với giáo lý.

59. Thư II gởi ông Ti-mô-thê (Tm): Viết vào năm 67 gởi cho ông Timôthê. Đây là một lá thư mục vụ, thôi thúc những ai có trách nhiệm trong cộng đoàn hãy kiên trì chịu thử thách, hăng hái rao giảng Tin mừng và chống lại những người dạy giáo lý sai lạc với luân lý, tín lý, niềm tin.

60. Thư gởi ông Ti-tô (Tt): Trước những bức xúc của người lãnh đạo cộng đoàn, thánh Phaolô viết thư gởi cho Titô, một tín hữu gốc Do thái và bạn đồng hành với Phaolô. Trong lá thư mục vụ, thánh nhân nhấn mạnh những đức tính cần có của người đứng đầu cộng đoàn; đồng thời nhắc nhở các tín hữu về bổn phận của họ.

61. Thư gởi ông Phi-lê-môn (Plm): Ong Philêmôn là một nhân vật quan trọng ở Côlôxê, là người khá giả đã trở lại theo đức tin Kitô giáo, biết đem của cải và uy tín để giúp đỡ cộng đoàn. Ong Phaolô quý mến và gọi ông là cộng sự viên. Trong thư ông Phaolô tế nhị, không áp đặt, không truyền lệnh ông Philêmôn nhận người nô lệ ăn cắp Onênximô như một người nhà trong tình yêu Đức Kitô.

62. Thư gởi tín hữu Do thái (Dt): Thời gian đầu cộng đoàn kitô hữu gốc Do thái (Do thái giáo qua Kitô giáo) gặp khủng hoảng, đức tin hoang mang. Tác giả viết thư này nhằm trấn an, củng cố đức tin, nền tảng đạo đức và sự canh tân đời sống đức tin chính là Đức Kitô.

63. Thư của Thánh Gia-cô-bê (Gc): Thư này nhằm mục đích đến luân lý, thánh nhân nhấn mạnh đến cách cư xử giữa người với nhau, khuyên giữ miệng lưỡi, kiên tâm bền chí khi bị thử thách để chứng minh niềm tin, đồng thời coi trọng người nghèo.

64. Thư thứ I của Thánh Phêrô (1 Pr): Giữa lúc các Kitô hữu bị lưu vong sang đế quốc Rôma, số tân tòng ngày một đông, thánh Phêrô viết thư nhằm khuyên nhủ, động viên và hướng dẫn đời sống đức tin cho những anh chị em tín hữu gia nhập đạo; đồng thời ngài nhấn mạnh bổn phận người Kitô hữu với Hội Thánh.

65. Thư thứ II của Thánh Phêrô (2 Pr): Qua những thăng trầm đức tin, tác giả hướng đến các tác giả sơ khai khám phá và sống theo chân lý, đó là: người tín thông phần vào sự sống của Chúa Kitô, được Chúa dạy dỗ qua các ngôn sứ, tông đồ.

66. Thư I, II, III của Thánh Gioan (Ga): Khi thấy giáo đoàn tín hữu sơ khai một số tác gieo rắc những học thuyết sai lạc. Thánh Gioan viết thư 1 và 2 nhằm chống lại những người lạc đạo đó; đồng thời giúp các tín hữu đề phòng những người theo thuyết ngộ đạo, bằng việc sống bác ái yêu thương. Trong lá thư thứ 3 tác giả nói đến cách sống và cư xử của người tín hữu.

67. Thư của Thánh Giuđa (Gđ): Khi các tín hữu Do thái trở lại đạo Công giáo, vì niềm tin còn non yếu, họ bị gieo rắc những tư tưởng ngược với niềm tin Kitô giáo. Trước tình hình đó, Thánh Giuđa đã viết bức thư dặn dò anh em tín hữu sơ khai đừng nghe theo một số người xấu, đã len lỏi vào các cộng đoàn, gieo rắc lối sống và tư tưởng sai lạc.


68. Sách Khải huyền (Kh): Giữa lúc các tín hữu sơ khai đang bị hoàng đế Nê-rô bách hại. Một số các tín hữu chán nản thất vọng trước cơn bách hại và dường như muốn đầu hàng. Tác giả đã dùng thể văn khải huyền với loại ngôn ngữ biểu tượng và đầy hình tượng; ông đã khuyên nhủ các tín hữu phải sống dũng cảm, củng cố đức tin, niềm trông cậy và lòng trung thành của họ với Đức Kitô và thời đau khổ sắp chấm dứt.

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

         

No comments:

Post a Comment