110 †.Ngài Gọi Con.†--- Đi tu, hiếu thảo thế nào? - ♫♫- Ngài Gọi Con -♫♫

†.Ngài Gọi Con.†--- Đi tu, hiếu thảo thế nào?

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là câu ca dao hẳn đã rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam, tuy nhiên, không vì thế mà ý nghĩa của nó bị phai mờ. Ẩn trong câu ca dao là công ơn to lớn của các đấng sinh thành. Hội Thánh cũng đã dạy về bổn phận của người làm con ngang qua điều răn thứ tư. Bổn phận ấy dù gì cũng dễ dàng thực hiện hơn đối với những người sống bậc hôn nhân hay độc thân giữa đời. Vậy còn những người sống bậc tu trì thì như thế nào?


Trước hết, đi tu là một sự từ bỏ. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”1 Ở đây, Thiên Chúa muốn những người bước theo Ngài phải có một sự lựa chọn dứt khoát và triệt để. Tuy Chúa không nói rằng chỉ những người sống đời dâng hiến mới có thể làm môn đệ, nhưng Thiên Chúa đòi hỏi cách rõ ràng hơn đối với những người sống đời sống này. Chúa Cha đã mặc khải cho Thánh Catarina Siena hai cấp bậc của Đức Ái: Bậc Đức Ái chung và bậc Đức Ái trọn lành. Một người muốn đạt tới bậc trọn lành phải từ bỏ tất cả và thực thi lệnh truyền “yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” một cách triệt để theo đúng nghĩa đen. Đó là hình ảnh một người môn đệ đích thực mà Thiên Chúa mời gọi cách riêng và rõ ràng đối với những người sống đời dâng hiến. Có lần một người anh họ của tôi biết được ý định đi tu của mình, chúng tôi khá thân thiết và anh cũng hiểu rõ về gia đình tôi, nên bảo tôi rằng: “Mi bị điên à. Nhà giờ còn ai đâu. Ông bà (bố mẹ tôi) thì già cả rồi, không lo đi làm mà chăm sóc cho ông bà, lại còn ăn bám thêm một thời gian nữa.” Lúc đó tôi chỉ biết im lặng.

Thứ hai, một người bước vào đời sống tu trì thường đã đến tuổi trưởng thành và họ không còn sống chung với cha mẹ nữa. Tuy họ không còn phải vâng lời cha mẹ nhưng lòng tôn kính thì tồn tại luôn mãi”2. Lòng tôn kính dựa trên sự biết ơn đối với đấng sinh thành. Người sống đời tu không thể phụng dưỡng và cũng chẳng có của cải vật chất để báo đáp phần nào công ơn cha mẹ. Tuy nhiên hai điều họ có thể làm trong tư cách là những môn đệ của Chúa đó là lời cầu nguyện và đời sống của mình. Với những người có đức tin, lời cầu nguyện là món quà vô giá. Họ dâng lên Đấng họ đang bước theo những người đã sinh thành và dưỡng dục họ. Thật tuyệt vời nếu họ xin Đấng Quan Phòng thay họ chăm sóc cha mẹ của mình. Có cha mẹ nào lại không muốn con mình nên người và sống hạnh phúc. Khi đã chọ con đường tu trì, người tu sĩ sống tròn đầy và hạnh phúc với con đường đã chọn cùng với những lời dạy của cha mẹ. Đó chẳng phải là một lời cám ơn đẹp nhất sao!

Tóm lại, tất cả chúng ta ai cũng có thể thực hiện điều răn thứ tư theo cách riêng mình được mời gọi. Người tu sĩ tuy từ bỏ tất cả để theo Chúa nhưng họ cũng có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ bằng lời cầu nguyện và lối sống của mình.

ĐĐT

No comments:

Post a Comment